(HNM) - Nhiều năm qua, cháy rừng không còn là chuyện lạ ở Mỹ, nhất là tại California - mảnh đất được ví như thủ phủ của các đám cháy rừng.
Tuy nhiên, những con số này chưa là gì so với thảm họa vừa diễn ra tại bang miền Tây nước Mỹ này. Thống kê mới nhất cho thấy, đã có 84 người thiệt mạng, 560 người mất tích do 2 vụ cháy rừng có tên Camp Fire và Woolsey Fire kéo dài suốt 2 tuần qua.
Đám cháy Camp Fire bùng phát tại hạt Butte từ ngày 8-11, sau đó lan rất nhanh. Chỉ trong vòng 24 giờ đã có 30.000 cư dân của thị trấn Paradise phải sơ tán, toàn bộ các nhà cửa, nhà dưỡng lão bị thiêu rụi. Video của người dân đi chạy nạn ghi được cho thấy cảnh tượng kinh hoàng với lửa, khói, tro bụi, cây cỏ nám đen khắp nơi. Người dân chỉ biết chạy mà không biết thoát hướng nào vì xung quanh là biển lửa. Cùng thời gian đó, vùng Nam California xảy ra một vụ cháy rừng khác có tên là Woolsey Fire. Đám cháy này cho đến nay đã hầu như được dập tắt hoàn toàn, sau khi đã thiêu rụi gần 100.000 mẫu Anh rừng và hơn 700 căn nhà.
“Cơn thịnh nộ của bà hỏa” xóa sổ nhiều khu vực dân cư đã tạo ra một áp lực lớn cho chính quyền để tái thiết cơ sở hạ tầng. Theo một thống kê gần đây, chỉ có khoảng 41% người thuê nhà ở California được bảo hiểm. Đối với những trường hợp không có bảo hiểm, họ buộc phải phụ thuộc vào trợ cấp từ xã hội hoặc vay ngân hàng mới có tiền để tiếp tục thuê nhà. Trong khi đó, giá cả thuê phòng trọ chắc chắn sẽ phi mã do lượng người bị mất nhà cửa quá lớn, đẩy nhu cầu tìm chỗ ở tạm tăng đột biến. Các nguồn tin địa phương cho biết, toàn bộ nhà nghỉ và khách sạn trong vòng bán kính 64km tính từ thị trấn Paradise đã kín phòng. Đáng nói là, khói bụi từ các đám cháy rừng đang khiến bầu không khí trong khu vực bị ô nhiễm nặng.
Ngay trước khi đám cháy xảy ra, California đã là bang có số dân vô gia cư lớn nhất trong bất kỳ tiểu bang nào tại Mỹ. Con số do Bộ Phát triển nhà ở và đô thị cung cấp cho thấy, 1/4 người vô gia cư của Mỹ sống tại California. Những năm gần đây, chính quyền bang đã rất nỗ lực xây thêm các khu định cư để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, song vẫn chưa thấm tháp vào đâu.
Bởi vậy, hậu quả của đám cháy rừng vừa qua sẽ còn khoét sâu hơn nữa vào cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở của bang này. Mặc dù hiện tại, cuộc sống của những người dân đi sơ tán đã tạm ổn nhờ các nguồn cung cấp thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt tại khu vực cứu trợ. Tuy nhiên, việc vạch ra kế hoạch dài hạn để ổn định xã hội thực sự là một bài toán nan giải đối với chính quyền vào thời điểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.