(HNM) - Tuyết trắng, gió lạnh và những khúc nhạc rộn ràng vang lên đâu đó như thường lệ đang báo hiệu một mùa giáng sinh đến gần tại châu Âu. Thế nhưng, có lẽ đây sẽ là một Noel nghiệt ngã đối với người dân lục địa già khi việc
Tuyết rơi dày khiến mùa giáng sinh tại nhiều thành phố ở châu Âu diễn ra buồn tẻ. |
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua đang lơ lửng với cơn bão nợ công khởi phát từ Hy Lạp vẫn vần vũ trên bầu trời châu Âu và liên tiếp để lại những di chứng nặng nề. Lục địa già đã đi qua gần một năm nhiều biến động, ngổn ngang bởi những kế hoạch giải cứu khổng lồ chỉ để ngăn nguy cơ vỡ nợ, các chương trình chi tiêu bị cắt xén đến mức cao nhất và làn sóng biểu tình châm ngòi cho những bất ổn xã hội.
Bóng đen khủng hoảng đang ám ảnh người tiêu dùng tại châu lục từng tự hào bởi sự thịnh vượng và phồn hoa. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy những kế hoạch hạn chế chi tiêu trong mùa Thiên chúa giáng sinh, lễ hội lớn nhất trong năm đã được lựa chọn như một giải pháp không thể khác trong thời buổi người khôn của khó. Khi những chiến dịch giảm bớt gánh nặng ngân sách không chỉ được áp dụng tại các quốc gia vừa được cứu thoát khỏi vực thẳm phá sản như Hy Lạp, Ireland hoặc những nước miễn dịch kém như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... mà gần như được đồng loạt áp dụng ở châu lục. Pháp cũng phải tạm ngừng nhiều khoản chi tiêu cho khu vực công trong vài năm tới để cân bằng ngân sách bị thâm thủng, Anh quyết định cắt giảm tới 40% chi tiêu công. Trong khi đó, đầu tàu Đức đang phải vật lộn để lấy lại cán cân thanh khoản đã vào ngưỡng nguy hiểm. Tâm lý hạn chế tối đa các khoản chi tiêu để đề phòng rủi ro có thể xảy ra trong tương lai đang ngự trị. Người châu Âu thậm chí còn tiết kiệm hơn so với năm 2009, năm đỉnh điểm của cơn bão tài chính toàn cầu. Từ Dublin đến Rome, đường phố vẫn nhộn nhịp nhưng số người mua sắm cho ngày Thánh lễ thấp đến kinh ngạc. Một cảm giác bất an về tương lai và nỗi lo sợ bị mất việc làm do việc cắt giảm nhân công cho phù hợp với mức chi tiêu ngân sách khắc khổ đang bao trùm khắp nơi.
Những cây thông Noel đang được trang hoàng lộng lẫy không mang lại một không khí giáng sinh như mong đợi và xua tan sức nóng từ các cuộc biểu tình nhằm phản đối những chính sách "thắt lưng buộc bụng" của nhiều chính phủ. Tại Hy Lạp, những cuộc bãi công chưa dừng lại khi liên đoàn lao động nước này kêu gọi cuộc tổng đình công trong lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin truyền thông trong những ngày tới, dự kiến sẽ khiến Xứ sở Thần thoại bị tê liệt. Ngày phản kháng chương trình kinh tế khổ hạnh tại châu Âu cũng đã được lên kế hoạch tại nhiều nước khác. Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và cả những lời cảnh báo của giới chuyên gia kinh tế nếu mạnh tay siết chặt chi tiêu chỉ khiến châu lục này bị cuốn nhanh hơn vào vòng xoáy suy thoái do đầu tư, sản xuất và sức mua giảm, kéo cả nền kinh tế lao dốc. Thế nhưng Lục địa già chưa có đáp án khác để kiềm chế cuộc khủng hoảng đang lây lan nhanh.
Hình thành từ ngày 1-1-1999, khu vực đồng tiền chung châu Âu hay còn gọi là Eurozone đã dần trở thành một trung tâm kinh tế lớn, có tiếng nói ngang ngửa với những đối tác hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, thật khó tin khi giấc mơ siêu cường đang trở thành thử thách lớn bởi cơn ác mộng nợ công gõ cửa từng quốc gia, bất chấp những nỗ lực cứu viện của cả châu lục. Đến lúc này, châu Âu đang đối diện với một cơ chế cồng kềnh, bộc lộ nhiều yếu kém về quản lý và ít có tiếng nói chung khiến châu lục yếu ớt hơn trước cả các cú sốc "nội bộ". Đó cũng là lỗi hệ thống mà "châu Âu già cỗi" nhận ra cần phải khắc phục để chống chọi với những bão táp hiện nay.
Châu Âu đang đón chờ những thời khắc thiêng liêng của ngày lễ lớn với một tâm trạng đặc biệt. Cho dù mùa lễ giáng sinh năm nay ảm đạm hơn do áp lực của nền kinh tế mong manh, nhưng chắc chắn những hồi chuông sẽ vẫn ngân nga từ các nhà thờ tôn nghiêm, bài thánh ca sẽ vẫn vang lên trong niềm mong ước về một thế giới an lành, hạnh phúc và một tương lai tươi sáng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.