Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu: Biến thể nguy hiểm từ nợ công

Quỳnh Chi| 19/07/2012 07:31

(HNM) - Gần hai tháng sau khi các quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) như Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Olli Rehn, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Dragh lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tan rã Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), căn bệnh nợ công vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm bất chấp những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo Lục địa già đưa ra.


Nhiều ngành sản xuất của Châu Âu tiếp tục suy giảm vì nợ công.

Sau khi Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 4 của EU - chính thức lên tiếng cầu cứu nguồn tài chính, những lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng của các nước thuộc Eurozone ngày một lớn dần. Điều này thể hiện qua việc các cơ quan đánh giá tín dụng nổi tiếng thế giới liên tục cắt giảm hệ số tín nhiệm của hàng loạt ngân hàng tại nhiều quốc gia trong khu vực, như Áo, Tây Ban Nha, Pháp và cả ở Đức - đầu tàu kinh tế của Eurozone. Mới đây nhất, ngày 17-7, hãng xếp hạng tín dụng Moody's tiếp tục hạ bậc tín nhiệm của 13 ngân hàng Italia, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất nước này là UniCredit và Intesa Sanpaolo.

Đáng lo ngại là sau một thời gian dài chống chọi với các "cơn cuồng phong" tài chính, những nền kinh tế trụ cột đã bắt đầu có những biểu hiện "ngấm đòn". Tại Đức, xuất khẩu trong những tháng gần dây đã có dấu hiệu chậm lại, trong khi hoạt động nhập khẩu suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng hai năm qua. Các số liệu thương mại mới đây giữa Đức và Châu Âu càng làm dấy lên lo ngại rằng khả năng "miễn dịch" của Đức trước cuộc khủng hoảng nợ đang dần suy yếu, giữa lúc nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn của Eurozone mong đợi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa gia tăng của Đức sẽ giúp "xoa dịu" những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực.

Ở phía bên kia bờ sông Rhine, cả nước Pháp phải đối mặt với một cú sốc lớn trước cái gọi là "kế hoạch xã hội" - một kế hoạch tưởng chừng sẽ mang lại lợi ích cho người dân do một số tập đoàn lớn đưa ra. Nhưng thực chất đó lại là kế hoạch cắt giảm nhân lực ồ ạt do những khó khăn về kinh tế đem lại. Đặc biệt là "kế hoạch xã hội" của hãng Peugeot Citroen với việc đóng cửa một nhà máy và cắt giảm 8.000 việc làm. Báo chí Pháp còn điểm mặt đặt tên thêm 5 "kế hoạch xã hội" có thể sắp được công bố. Đó là kế hoạch của hãng dược nổi tiếng Sanofi với con số cắt giảm được ước tính khoảng 1.200 - 2.500 nhân công; hãng cung cấp các sản phẩm từ gia cầm hàng đầu Châu Âu Doux với khoảng 1.000 nhân công; tập đoàn về dụng cụ làm vườn lớn Neo Security có thể cắt giảm không dưới 5.100 việc làm. Hai tập đoàn viễn thông hàng đầu nước Pháp SFR và Bougues cũng gây sốc với kế hoạch tái cơ cấu chiến lược có thể buộc hơn 500 nhân viên phải "tự nguyện" ra đi. Những cuộc cắt giảm nhân công được dự báo tại Pháp cũng như ở một số nước Châu Âu khác là những "virus biến thể" nguy hiểm đang đe dọa cả nền tảng xã hội tại Lục địa già. Nhận định này được củng cố khi báo cáo tình trạng nghèo đói hàng năm của Cơ quan Thống kê quốc gia Italia vừa công bố ngày 17-7, cho thấy có ít nhất 8 triệu người dân nước này đang sống ở mức nghèo đói. Hy vọng thoát khỏi cảnh "bần cùng" của họ được cho là khó thành hiện thực trong tương lai gần khi đất nước đang chìm ngập trong nợ công và liên tục bị các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh tụt bậc xếp hạng.

Hiện tại, dư luận Châu Âu chỉ còn kỳ vọng vào thỏa thuận vừa đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hồi cuối tháng trước. Theo đó, Eurozone xây dựng một liên minh kinh tế sâu rộng hơn, cho phép tập trung quyền hạn trong can thiệp vào ngân sách quốc gia và ngăn chặn các nước thành viên bị nợ quá nhiều. Mô hình tăng cường liên kết này được xem là chìa khóa giúp giải tỏa nỗi lo lắng về sự sụp đổ của đồng euro. Tuy nhiên, vẫn còn không ít mối quan ngại cho rằng, tương tự như những biện pháp từng được tung ra trong suốt hai năm qua, những biến thể nguy hiểm từ nợ công sẽ kịp tàn phá đáng kể nền tài chính cũng như nền tảng xã hội Châu Âu trước khi các biện pháp ứng cứu phát huy được tác dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Biến thể nguy hiểm từ nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.