Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chảo lửa tăng nhiệt

Trung Hiếu| 26/11/2011 07:04

(HNM) - Ngày 8-11, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho rằng, Tehran dường như đã nỗ lực thiết kế một quả bom hạt nhân.


Người dân Iran theo dõi diễn biến của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran qua báo chí.

Ngày 24-11, ông Parviz Sorouri, nghị sĩ trong Hội đồng chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia có thế lực tại Quốc hội Iran, cho biết nước này đã bắt giữ 12 điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trước đó, lực lượng Hezbollah ở Lebanon do Iran hậu thuẫn cũng đã tuyên bố phát hiện tung tích của một số điệp viên CIA cài ở nước này, đồng thời đề nghị chính phủ triệu Đại sứ Mỹ gần Beirut tới để phản đối. Ngày 23-11, với đa số phiếu áp đảo, Quốc hội Iran đã thông qua kiến nghị khẩn cấp về đề xuất xem xét hạ tầm quan hệ với Anh vì những sức ép chính trị và kinh tế của London đối với Iran. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng có nhiều áp lực trên cả phương diện ngoại giao lẫn kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo này. Ngày 24-11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho biết, nước này sẽ đơn phương ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, một phần trong nỗ lực nhằm cô lập Tehran. Pháp là quốc gia đầu tiên tại châu Âu áp dụng biện pháp này với Iran. Trước đó, ngày 21-11, Mỹ, Anh và Canada tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Nhà Trắng còn cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành hóa dầu và năng lượng của Iran, theo đó sẽ trừng phạt bất cứ đối tượng nào giúp Iran khai thác và phát triển các nguồn dầu mỏ của nước này. Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết mới cáo buộc Iran vi phạm nhân quyền và chính quyền của Tổng thống Iran M.Ahmadinejad đã bác bỏ nghị quyết này và chỉ rõ, đây là công cụ chính trị để các nước phương Tây sử dụng để chống lại Tehran...

Rõ ràng, khu vực Trung Đông đang tăng nhiệt từ những căng thẳng lan rộng. Dư luận cho rằng, một khi cả hai phía đều muốn dồn, đẩy vấn đề lên cao trào thì hậu quả sẽ là khó kiểm soát. Tác động có thể thấy rõ là giá dầu thô lên cao. Một ngày sau quyết định trừng phạt của Mỹ, Anh và Canada, giá dầu đã nhích lên trên sàn giao dịch điện tử tại châu Á, trong phiên 22-11, ngược với đà sụt giảm đêm trước tại thị trường Mỹ và châu Âu. Theo đó, trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1-2012 lên mức 96,93 USD/thùng và giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 12 xu, lên 107 USD/thùng. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Trong một diễn biến mới, ngày 21-11, chỉ huy cấp cao Lực lượng vệ binh cách mạng Iran cho biết, Tehran thách thức Israel tấn công và sự trả đũa của Iran sẽ đẩy Israel vào "sọt rác lịch sử". Đây là một trong những phản ứng mang tính thù địch nhất của một quan chức Iran giữa lúc có những nghi ngờ rằng Israel đang cân nhắc mở các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Trước đó, trong 4 ngày (từ 19 đến 22-11), Iran đã tiến hành cuộc tập trận phòng không tại khu vực miền Đông, giáp biên giới Afghanistan, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ không phận và các cơ sở hạt nhân. Chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad còn thông báo, có thể sử dụng dầu mỏ làm công cụ chính trị trong trường hợp xảy ra xung đột. Iran cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào bằng việc đánh vào các lợi ích của Israel và Mỹ ở Vùng Vịnh, trong khi giới phân tích cho rằng Tehran có thể làm tổn hại lợi ích của phương Tây bằng cách đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất trên thế giới.

Không ai muốn chiến tranh xảy ra bởi khi đó Trung Đông sẽ thành chảo lửa không có điểm dừng. Nga, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran. Bộ Ngoại giao Nga còn nhấn mạnh, những hành động đó đã làm phức tạp thêm tình hình, cản trở các nỗ lực nhằm tiến hành cuộc đối thoại xây dựng với Tehran.

Hiện tại, dư luận cho rằng, con đường duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran là tạo điều kiện thuận lợi để nối lại cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh cùng với Đức). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, làm được điều đó không dễ, cần có sự hợp lực từ nhiều phía.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chảo lửa tăng nhiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.