Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chánh án TAND tối cao trả lời chất vấn về nhiều vụ án lớn

HNMO| 18/11/2017 08:00

(HNMO) - Sáng nay (18-11), bước sang ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn về hoạt động của ngành, trong đó có công tác xét xử các vụ án tham nhũng.

11:48 18/11/2017

Chủ tịch Quốc hội: Bảo đảm giải quyết các vụ án trọng điểm thấu tình, đạt lý, nghiêm minh

Kết thúc phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn, tranh luận nhưng do thời gian nên chỉ có 30 câu chất vấn và 10/12 ý kiến tranh luận của ĐBQH được trả lời.

Trong phiên chất vấn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời khá rõ ràng, thẳng thắn, cụ thể, không né tránh. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ hơn những vấn đề liên quan.


Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, công tác xét xử của tòa án có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành tòa án được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít tồn tại, hạn chế, xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành tòa án phải quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp liên quan đến nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành toà án tập trung những nhóm vấn đề sau:


Khẩn trương, chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để bảo đảm quy định mới được thực thi, thống nhất;

Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng công khai tại tòa; Giải quyết, có giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án, hạn chế tối đa các quyết định bị hủy, bị sửa do vi phạm quy định pháp luật; Phấn đấu để không để xảy ra việc kết án oan sai, bỏ lọt tội phạm, khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định;

Cơ bản khắc phục tình trạng không có kháng nghị nhưng sau đó lại giải quyết kháng nghị theo quy định giám đốc thẩm; Có các biện pháp cụ thể để tập trung xử lý các đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Bảo đảm các bản án, quyết định của toà phải được chuyển đến người bị kết án, đương sự; Triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử; Đẩy mạnh việc tuyển chọn án lệ, công khai án lệ, thực hiện việc dừng xét xử phiên tòa lưu động;

Đẩy nhanh chất lượng giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm, các vụ án được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, đảm bảo thấu tình, đạt lý, nghiêm minh, đúng pháp luật;

Chú trọng công tác thẩm tra, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự, hạn chế tối đa vi phạm về thời gian chuẩn bị xét xử, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự…

Tiếp tục kiện toàn việc tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành tòa án;

Củng cố, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 triển khai tòa án điện tử, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế…

11:34 18/11/2017

Chờ kết quả giám định khiến việc xét xử án tham nhũng kéo dài

Về việc xét xử một số vụ tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khi tham gia trả lời chất vấn đã thừa nhận, so với các vụ án khác, vụ án tham nhũng hiện nay đang bị kéo dài, trả lại hồ sơ bổ sung nhiều lần.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, khó khăn phổ biến với vụ án kinh tế, tham nhũng là kết quả giám định tư pháp (vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần); kiến thức chuyên môn, chuyên ngành của cơ quan tố tụng còn hạn chế. Hiện nay, giám định tư pháp chưa xác định được thời hạn trả lời kết quả.

Với những vụ án vừa qua, quy mô của các dự án liên quan đến vụ án thường lớn và dự án đang dở dang, "đắp chiếu", nên việc đánh giá hậu quả thiệt hại là rất khó khăn. Chủ trương của các bộ, ngành là điều tra rõ đến đâu thì truy tố, xét xử đến đó, phần còn lại lập thành vụ án khác để điều tra. 



Nguyên nhân khiến vụ án bị kéo dài thời gian xét xử, theo Viện trưởng VKSND tối cao, là do thời gian thu thập tài liệu phụ thuộc vào thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, kết luận của cơ quan giám định... Các vụ án đều phải được bảo đảm cả về tiến độ xử lý, vừa phải bảo đảm giải quyết triệt để, thu hồi tài sản thất thoát... Với vụ án có số lượng hàng chục bị can, hàng trăm đối tượng liên quan thì đó là áp lực lớn cho các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, ví dụ như vụ Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm.

Tuy nhiên, để vụ án bị kéo dài còn có nguyên nhân bắt nguồn từ năng lực, trình độ và trách nhiệm của cán bộ các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát, đặc biệt là năng lực, kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính. Bên cạnh đó, tâm lý sợ oan sai, cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ cũng dẫn đến việc trả hồ sơ nhiều lần.

“Chúng tôi đang chủ trì phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch quy định, hướng dẫn những trường hợp cần thiết giám định trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế, chức vụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt là ngăn chặn việc lạm dụng giám định để ngăn trở, kéo dài thời gian giải quyết vụ án hoặc giám định không chính xác, không khách quan, phải giám định bổ sung, giám định lại nhiều lần... Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành trước ngày 1-1-2018”, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nói.

11:17 18/11/2017

14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

Trả lời nhóm câu hỏi của các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Bùi Quốc Phòng (Thái Bình), Phạm Thanh Thủy (Thanh Hóa)… liên quan đến chất lượng thẩm phán, chất lượng xét xử khi còn để xảy ra nhiều vụ án oan sai, vụ án hành chính chậm xử lý..., Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, TAND tối cao đã xây dựng 14 giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, trong đó có nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Những giải pháp này gồm: Đổi mới các phiên tòa theo hướng cải cách tư pháp như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền con người…; nâng cao chất lượng viết các bản án (TAND đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ thẩm phán về hành văn, đã ban hành mẫu bản án...); công khai các quyết định của bản án trên cổng thông tin điện tử của ngành để tăng cường sự giám sát của người dân; nâng cao công tác hòa giải từ cấp sơ thẩm; đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống, khoán mỗi thẩm phán có ít nhất 1 phiên họp rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực, bản lĩnh (việc này nếu làm tốt, mỗi năm ngành tòa án sẽ có 6.000 bài học); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trên cơ sở quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám đốc việc xét xử để nếu có sai sót khi xét xử thì sẽ có kháng nghị ngay.

Cùng với đó, ngành sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong nội bộ, thẩm phán khi có sai sót thì tùy vào từng mức độ sẽ bị xử lý, không cho tiếp tục công tác xét xử, điều chuyển sang công việc khác; ban hành quy chuẩn đạo đức thẩm phán; đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, phân án theo quy trình ngẫu nhiên do một cơ quan độc lập thực hiện.

10:42 18/11/2017

Tội phạm tham nhũng có quan hệ rộng và nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng tham gia giải đáp thêm những vấn đề ĐBQH quan tâm, liên quan đến công tác đấu tranh xử lý tội phạm tham nhũng; giải pháp nhằm hạn chế oan sai trong hoạt động điều tra, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm và khởi tố tại toà.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải đáp thêm những vấn đề được các ĐBQH quan tâm.


Về phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ trưởng thừa nhận, công tác này thời gian qua còn có một số hạn chế, chưa đạt được như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 
Nguyên nhân chủ yếu là do tội phạm tham nhũng có chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn, có quan hệ rộng và nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra của các cơ quan chức năng...

Ngoài ra, các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện, có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy với nhiều hình thức khác nhau; đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định. Các đối tượng thường cất giấu tài sản hợp lý hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn, thời gian điều tra kéo dài...

Về đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi khởi tố bị can, Bộ trưởng cho biết, việc cơ quan Công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn với các đối tượng này là theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung bắt bằng được đối tượng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Bộ trưởng cung cấp thêm thông tin, Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh, bổ sung quy định giám sát đặc biệt với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Như vậy, khó khăn này đã được khắc phục.

"Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng nói.

10:27 18/11/2017

Các thẩm phán "né" do ngại va chạm với chính quyền

Chánh án Nguyễn Hoà Bình khi trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đã thừa nhận, tỷ lệ giải quyết án hành chính của nước ta còn thấp so với mặt bằng chung (mặt bằng chung giải quyết án là 91%, riêng án hành chính là 70%). 


Nguyên nhân khách quan là theo quy định của luật tố tụng hành chính, tất cả các vụ án hành chính phải hội đủ 2 yếu tố: qua đối thoại bắt buộc (nếu chưa đối thoại thì vụ án không được thụ lý) và phải có mặt của chủ tịch UBND cấp đã ra quyết định xử lý hành chính.

Năm 2017, tại TP. Hồ Chí Minh có gần 1.400 vụ án hành chính; tại Hà Nội có 440 vụ án hành chính. Nếu chủ tịch hoặc phó chủ tịch được ủy quyền phải đến toà thì sẽ không còn thời gian để thực hiện công việc khác nữa.

"Khi các đồng chí chủ tịch không có mặt, toà buộc phải hoãn phiên xét xử. Án hành chính thực chất là giải quyết quan hệ giữa người dân và chính quyền. Do đó, nếu phải hoãn liên tục thì sẽ tạo hình ảnh xấu" - Chánh án TAND tối cao nói.

Nguyên nhân chủ quan được Chánh án chỉ ra là do năng lực của thẩm phán khi đối diện với vụ án khó.

"Thông thường, các thẩm phán né, ngại va chạm với chính quyền nên khi xử lý cũng... né, bản lĩnh chưa cao. Những việc thuộc trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của đội ngũ thẩm phán, chúng tôi sẽ có chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao và rút kinh nghiệm" - Chánh án TAND tối cao cho biết.

10:19 18/11/2017

 Tỷ lệ án treo ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới

Với chất vấn của đại biểu về án đánh bạc bị xử lý nhẹ, nhiều án treo..., Chánh án TANDTC cho biết, chế định án treo là chế định tích cực, đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa, đặc biệt là đối với những người phạm tội do lỗi vô ý và tội phạm lấy đồng tiền làm mục tiêu, phương tiện phạm tội.

Theo Chánh án, trên thế giới, tỷ lệ án treo là khoảng 60%, còn ở Việt Nam là 20%, tập trung ở 3 loại án là: án giao thông (3.700 bị cáo, 1.700 án treo), án đánh bạc (19.000 bị cáo, 7.000 án treo, chiếm 37%), án tổ chức đánh bạc (2.500 bị cáo, 900 án treo, chiếm 35%). Tổng tỷ lệ án treo này chiếm 61% tổng số đối tượng được hưởng án treo.

Chánh án TAND tối cao cũng cho biết, tâm lý của các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là "ngại" xử án treo, mà thông thường xử án giam nhiều hơn.

"Với những vụ cụ thể mà đại biểu phát hiện thẩm phán tiêu cực thì đại biểu phản ánh, tôi sẵn sàng lắng nghe và xử lý" - Chánh án TANDTC khẳng định.

10:13 18/11/2017

Đề nghị Quốc hội xem xét dừng các phiên tòa lưu động

Liên quan đến câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) về quá trình triển khai và lộ trình thực hiện tòa án điện tử, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc này đang được thực hiện theo lộ trình. Để thực hiện việc tiếp công dân và trả lời công dân qua thư điện tử, cần phải có hạ tầng. Đề án này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ liên quan thẩm định. Khi có điều kiện, TAND tối cao sẽ tiến hành thực hiện.

Về băn khoăn của đại biểu với đề xuất bỏ phiên tòa xét xử lưu động, Chánh án TAND tối cao cho biết, việc thực hiện các phiên tòa lưu động đúng là có tác dụng tuyên truyền lớn nhưng trong điều kiện hiện nay, người dân không nhất thiết phải đến phiên tòa mà vẫn có thể tiếp cận phiên tòa. Tác dụng tuyên truyền của các phiên tòa lưu động vì thế không còn được như thời kỳ đầu.

Mặt khác, phiên tòa lưu động cũng phát sinh nhiều mặt trái vì khi tổ chức ngoài công đường sẽ khó bảo đảm yếu tố nghiêm minh, khó bảo vệ, đặc biệt khi xuất hiện những đối tượng xấu...

Ngoài ra, việc tổ chức phiên toà cũng tốn kém hơn. Chánh án cho biết, mỗi năm ngành chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên toà, chưa kể khoản tiền hỗ trợ từ các địa phương.

Một hạn chế khác là việc đưa bị can, bị cáo ra công khai có thể làm ảnh hưởng tới người thân, con cháu. Do đó, TAND tối cao mạnh dạn đề nghị Quốc hội xem xét dừng các phiên tòa lưu động.

10:00 18/11/2017

Không phải tất cả các vụ nợ tiền bảo hiểm xã hội đều bị xử lý hình sự

Trong phát biểu tranh luận, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) bày tỏ sự không đồng tình với Chánh án Nguyễn Hoà Bình về giải pháp xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Cùng trao đổi về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, Điều 10 Hiến pháp đã quy định quyền công đoàn đại diện cho người lao động. Do đó, đại biểu không đồng tình với hướng xét xử dân sự, bởi chiếm đoạt bảo hiểm xã hội của người lao động là hành vi vi phạm pháp luật, phải được xét xử, chứ không chỉ là khởi kiện.



Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, ngành đã tổ chức họp với các ĐBQH, tổ chức công đoàn. Qua rà soát, hiện đang vướng về các quy định để tổ chức công đoàn được khởi kiện. Do đó, Chánh án TAND tối cao kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép rà soát lại văn bản pháp quy, mở đường cho việc khởi kiện của tổ chức công đoàn. Còn với hạ tầng pháp lý hiện tại, việc giải quyết của toà là đúng, không có gì mâu thuẫn.

"Chúng ta không hình sự hoá các vụ án liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội mà vẫn có thể giải quyết theo trình tự hành chính. Việc này được giao cho cơ quan bảo hiểm kiểm tra và ra các quy định xử phạt. Không phải tất cả các vụ án nợ bảo hiểm xã hội của người lao động đều được xử lý theo hướng tố tụng hình sự" - Chánh án TAND tối cao khẳng định.

09:52 18/11/2017

Nhiều đại biểu đăng ký chất vấn Chánh án TAND tối cao

ĐBQH Bùi Huyền Mai (Hà Nội): Số lượng vụ án bị hủy, cải sửa còn nhiều, đặc biệt là những vụ án do lỗi chủ quan của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Ngành toà án có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn): Quá trình triển khai và lộ trình thực hiện tòa án điện tử?

Việc xét xử lưu động có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khá hiệu quả nhưng Chánh án TAND tối cao lại đề nghị xem xét bỏ hình thức này, vậy có làm giảm hiệu quả tuyên truyền và công khai, minh bạch trong xét xử?


ĐBQH Trương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu): Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mới đạt 39,3%, trong đó, Chánh án giải thích nguyên nhân là do khi thành lập Toà án cấp cao, đơn từ 63 tỉnh, thành phố dồn về 3 Toà cấp cao. Vậy khi xây dựng đề án Tòa án cấp cao, TAND tối cao có lường trước được tình trạng dồn đơn như thế này? Trước khi có Tòa án cấp cao, tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là bao nhiêu? Tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có đạt 60%?

ĐBQH Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An): Án đánh bạc bị xử lý nhẹ, có hiện tượng tiêu cực không? Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của ngành Tòa án nói chung, xét xử án đánh bạc nói riêng?

ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng hiện có nhiều hạn chế, vì sao, trách nhiệm và giải pháp?

09:37 18/11/2017

Không có gì "giấu giếm" trong phiên toà xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga

Liên quan đến vụ án Châu Thị Thu Nga trong chất vấn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, vụ án đã xét xử xong ở cấp sơ thẩm.

“Trong quá trình xét xử vụ án, có tình tiết, tại phiên tranh tụng, khi bị cáo định khai trước tòa nhưng chủ tọa phiên tòa không cho khai, khiến dư luận hoài nghi phải chăng “giấu giếm điều gì”? Chúng tôi ngay lập tức đã yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa gặp luật sư... Chúng tôi khẳng định, phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường. Việc chủ tọa phiên tòa dừng không cho bị cáo khai tiếp do vụ án này được tách ra để mở phiên tòa khác là được phép”, Chánh án TAND tối cao nói rõ hơn. 



Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trên thực tế, đã có nhiều vụ án được tách ra như vụ Ngân hàng Xây dựng được tách làm 3 vụ, vụ Ngân hàng Đại dương xét xử một phần... Nếu trong phiên tòa đã làm rõ tình tiết này, HĐXX được phép không cần đề cập đến vụ việc đó nữa.

Tiếp tục trả lời đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về bài học rút ra từ vụ án Hà Văn Thắm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là vụ án công khai, minh bạch, tranh luận đến cùng. Mặc dù đây là vụ án lớn, HĐXX tuyên 34 án treo đối với nhiều bị cáo, trong đó có nhiều người còn trẻ, mới ra trường. Dư luận xã hội đánh giá cao việc xét xử vụ án, vừa đảm bảo sự nghiêm khắc của pháp luật nhưng vẫn nhân văn, mở đường cho những người làm công, ăn lương, cho họ cơ hội làm lại cuộc đời.

Từ vụ án này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đúc kết 4 bài học làm nên thành công của vụ án: Xác định chính xác tội danh; công khai minh bạch; bản án tuyên có sự phân hóa: nghiêm khắc với đối tượng cầm đầu, mở đường cho người làm công, ăn lương; HĐXX làm hết chức năng của mình, trách nhiệm dân sự trọn vẹn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TAND tối cao trả lời chất vấn về nhiều vụ án lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.