(HNM) - Với nhiều quốc gia, mùa hè được các nhà sản xuất phim coi trọng nhất trong năm vì học sinh, sinh viên được nghỉ học thì ở Việt Nam có mùa phim tết. Tuy nhiên, các quốc gia khác sản xuất quanh năm thì điện ảnh Việt Nam chỉ có một mùa duy nhất: Phim tết.
Tết năm ngoái, các nhà sản xuất tập trung vào thể loại hài tình cảm nhẹ nhàng và chủ yếu nhằm vào đối tượng trẻ. Sở dĩ các hãng tập trung vào đề tài muôn thuở này bởi không lãi thì ít nhất cũng không lỗ. Còn năm nay, dù chưa ra mắt khán giả nhưng qua chiến dịch truyền thông ầm ĩ từ khi bấm máy cho đến lúc đóng máy làm hậu kỳ cũng đủ biết: Nhật ký Bạch Tuyết, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Những nụ hôn rực rỡ... là dạng phim gì. Cũng để "chắc ăn", các hãng mời ca sỹ, người mẫu và diễn viên có tiếng trong làng giải trí tham gia. Tất nhiên, phải sau Tết mới biết Tết khán giả còn bỏ tiền mua vé để xem loại phim hài tình cảm nhẹ nhàng nữa không.
Vì sao các nhà sản xuất phim chỉ chăm chăm vào mùa phim tết trong khi 60% dân số Việt Nam là trẻ? Cái lý đầu tiên các hãng dựa vào để một năm làm một "phi vụ" là: dù dân số đông và trẻ nhưng thu nhập bình quân tính theo đầu người vẫn thấp. Lý do thứ 2 là: theo Luật Điện ảnh sửa đổi cho phù hợp với lộ trình cam kết gia nhập WTO, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có rạp là được quyền nhập. Thực tế cho thấy phim nước ngoài, từ hành động, phim hài, tâm lý xã hội đến các phim kinh dị... chiếm hầu hết các buổi chiếu trong năm. Ngay như các bộ phim vừa ồn ã ở nước ngoài chỉ sau một thời gian ngắn đã có mặt tại Việt Nam như phim Avatar của đạo diễn Simon vừa được trao giải Quả cầu Vàng và dự kiến sẽ chiếm ít nhất 7 giải Oscar năm 2010 là một ví dụ. Nhập phim chiếu tết vừa rẻ lại hạn chế rủi ro, trong khi sản xuất phải bỏ vốn và rủi ro luôn rình rập. Lý do thứ 3 là 63 đài truyền hình của 63 tỉnh, thành phố khai thác các nguồn phim khác nhau và phát sóng cả ngày. Từ phim Kungfu, dã sử, cổ trang... của Trung Quốc đến phim tâm lý tình cảm của Hàn Quốc và phim Mỹ khiến khán giả Việt Nam vốn chỉ quan tâm đến nội dung thấy không cần thiết phải ra rạp. Ngoài ra còn nhiều lý do khác.
Điện ảnh Việt Nam yếu về mọi mặt, lại bị phim nước ngoài, phim truyền hình cạnh tranh dữ dội nên tự thân không thể vượt qua được nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước. Theo các nhà hoạt động điện ảnh, giá Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ về rạp chiếu, giảm thuế doanh thu, miễn thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào điện ảnh thì phim Việt Nam được sản xuất quanh năm. Còn chừng nào chưa khắc phục bất cập thì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.