Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi nông hộ chịu nhiều sức ép

Quỳnh Ngọc| 24/02/2020 07:32

(HNM) - Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chỉ phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi mà còn chịu sức ép lớn từ những hiệp định thương mại thế hệ mới vì khó cạnh tranh được về giá cũng như chất lượng sản phẩm.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi lợn tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ gia đình. Thế nhưng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy hơn 5,9 triệu con, chiếm 9% tổng đàn lợn cả nước. Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa có điều kiện tái đàn.

Ông Ngô Văn Mạnh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình ông vẫn phải chờ một thời gian nữa mới tái đàn lợn vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, thời tiết cũng bất thường nên có nhiều nguy cơ dịch bệnh phát sinh trở lại. Thêm nữa, để nâng cấp trang trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học sẽ mất thêm chi phí và thời gian cho việc xây dựng, cải tạo hệ thống chuồng trại, thay đổi quy trình chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, việc tái đàn lợn trên địa bàn thành phố chủ yếu ở các trang trại lớn, bảo đảm an toàn sinh học, nông hộ vẫn chưa dám tái đàn. Có thể nói, chăn nuôi nông hộ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ đối mặt với dịch bệnh, các hộ chăn nuôi lợn còn phải chịu sức ép từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (có hiệu lực từ ngày 14-1-2019) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7-2020. Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm và thuế nhập khẩu thịt lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm.

Còn với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam cao hơn 20-25% so với giá đông lạnh nhập khẩu. Giá thịt lợn hơi tại trang trại cao hơn 40-60% so với giá tại trang trại của các nước phát triển...

Việc thực hiện những hiệp định thương mại trên đang và sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên cả người sản xuất và thị trường bán lẻ thịt lợn. Trong đó, các hộ chăn nuôi quy mô gia trại sẽ chịu tác động nhiều hơn.

Để các hộ chăn nuôi nhỏ có thể đứng vững trước những tác động của dịch bệnh và sức ép từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, trước mắt các địa phương phải làm tốt công tác tái đàn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đồng thời thúc đẩy phát triển các vùng chăn nuôi xa khu dân cư và an toàn dịch bệnh. Về lâu dài nên có cơ chế  hỗ trợ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ chuyển sang ngành nghề khác… Người nông dân cũng cần liên kết, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… để ký kết hợp đồng mua nguyên liệu cũng như bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các địa phương cần khuyến cáo hộ dân không gia tăng số lượng đàn nuôi một cách cơ học mà hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh. Trong đó, chú trọng vấn đề chọn con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Mặt khác, cần định hướng để người dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ, có như vậy, hiệu quả chăn nuôi nông hộ mới được nâng cao và phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi nông hộ chịu nhiều sức ép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.