Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn nguy cơ thương mại hóa đẻ thuê

Theo Ngọc Phương| 21/02/2014 16:18

Bộ Y tế vừa có đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi (dự kiến trình QH trong kỳ họp tới đây) chỉ cho phép người thân mới được mang thai hộ.

Đề xuất nhân văn trên mở ra cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh cơ hội có con nhưng cánh cửa này dường như vẫn còn quá hẹp...

Trước thông tin này, nhiều phụ nữ đang có nhu cầu tìm người mang thai hộ bày tỏ lo ngại. Chị Thu Thủy (Bắc Ninh) nói: Vợ chồng tôi đã từng nhờ tới người thân nhưng không hề dễ dàng. Mình không có chị em gái nên đã nói anh trai, chị dâu giúp đỡ. Anh chị đã sinh hai con, hơn nữa người anh thương em gái nên đồng ý cho vợ mang thai hộ. Nhưng chị dâu sau khi hỏi ý kiến gia đình, bạn bè đã ngần ngại tìm cớ từ chối.

Lý do là chị đang phấn đấu thăng chức nếu có thai sẽ bị quy là sinh con thứ 3, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp. Tìm đến mấy đứa em họ hàng xa ở quê thì ai cũng lắc đầu vì với họ chuyện đó quá hoang đường.

Rất hiếm có người thân đồng ý mang thai hộ - đó là nhận định của nhiều phụ nữ hiếm muộn. Chị Thủy Tiên (Hải Phòng) đã nhờ được chị gái mang thai hộ nhưng chồng chị, mẹ chồng chị lại phản đối kịch liệt.

Anh Huy Hùng (Hà Nội) phản đối việc nhờ người nhà mang thai hộ, với lý do: “Vì sao VN không học tập các nước thành lập dịch vụ mang thai hộ có quản lý chặt chẽ. Chúng ta có ngân hàng tinh trùng ai có nhu cầu đều có thể mua, vậy vì sao lại không có ngân hàng người mang thai hộ? Bộ Y tế đưa ra chủ trương chỉ người thân mới được mang thai hộ thì xem ra những cặp vợ chồng vô sinh cũng chẳng có thêm hy vọng gì”.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này. Chị Thúy Nga (Hải Dương) cho rằng: “Khi việc mang thai hộ được pháp luật cho phép, cho dù chỉ giới hạn trong những người thân đã mở ra một lối thoát cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Vợ chồng có thể đàng hoàng đưa người mang thai hộ đến bệnh viện mà không cần phải lén lút. Người đồng ý mang thai hộ cho mình cũng thật tâm giúp đỡ mà không toan tính điều gì...”.

Ngày càng nhiều trẻ được sinh ra nhờ can thiệp của y học.



Người thân mang thai hộ để tránh trục lợi

Mang thai hộ là thành tựu của y học, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Mang thai hộ là nhân văn vì sẽ giúp cho nhiều phụ nữ có dị tật bẩm sinh không có tử cung, bị ung thư, cắt bỏ tử cung, vô sinh... có thể có con.

Mới đây trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình, dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận trong tháng 5 và đầu năm 2015 sẽ có hiệu lực, Bộ Y tế đưa ra đề xuất chỉ người thân mới được mang thai hộ.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nếu luật pháp cho phép mang thai hộ thì buộc phải có các quy định để dịch vụ này không bị thương mại hóa. Đã là mang thai hộ thì chỉ có người thân trong gia đình mới tránh được sự trục lợi lẫn nhau. Nếu không phải họ hàng ruột thịt thì không ai tự dưng đi mang thai hộ cho người khác trong khi không được quyền lợi gì.

Khi người trong nhà đã quyết định mang thai hộ thì đều phải trên tinh thần tự nguyện, thống nhất. Vợ mang thai hộ thì chồng phải đồng ý. Việc cho phép người nhà mang thai hộ vừa hợp tình vừa hợp lý, bởi những người thân có tình cảm gắn bó dễ cảm thông, chia sẻ với nhau. Khi đó việc mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo chứ không có tính chất thương mại.

Trước vấn đề nhiều cặp vợ chồng vô sinh ngần ngại hoặc khó thuyết phục người thân mang thai hộ, ông Quang cho rằng, thực tế điều này có tồn tại, nhưng những phức tạp, rắc rối đó thường chỉ do vấn đề tâm lý, chỉ cần những người này tự cởi bỏ vướng mắc trong tư tưởng là ổn.

Giải đáp thắc mắc về việc đứa bé sinh ra do mang thai hộ sẽ là con ai, ông Quang khẳng định: Về mặt pháp lý quan hệ bố mẹ - con cái là theo gene di truyền. Có thể là anh chị em hay bố mẹ mang thai hộ, nhưng khi đứa con ra đời thì đứa bé phải được xác định là con của người nhờ mang thai hộ.

Vấn đề nhờ người thân mang thai hộ dù luật pháp cho phép nhưng chắc chắn những rào cản về tâm lý, quan niệm xã hội vẫn rất nặng nề. Trên thực tế, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng ra nước ngoài để thực hiện trái phép việc mang thai hộ.

Ở trong nước đã có những cơ sở y tế tư nhân “vượt rào” giúp bệnh nhân cấy phôi cho người mang thai hộ. Với thực trạng trên, luật pháp mới chỉ cho phép người thân trong gia đình được mang thai hộ thì chắc rằng dịch vụ đẻ thuê vẫn sẽ đắt hàng. Nên chăng cần có một hướng mở hơn nữa để việc mang thai hộ vừa đúng luật vừa giúp cho nhiều phụ nữ không may mắn có được hạnh phúc làm mẹ.

Mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi sẽ chuyển phôi vào dạ con của người phụ nữ khác. Khi đó tử cung của người mang thai hộ sẽ nuôi dưỡng thai nhi. Đứa bé được sinh ra sẽ mang gene di truyền của người phụ nữ có trứng chứ không phải của người mang thai hộ.

Theo dự thảo luật mới chỉ cho phép mang thai hộ giữa người trong gia đình và được chính quyền địa phương xác nhận người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ có quan hệ họ hàng trong vòng ba đời và mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần. Việc xem xét cho phép mang thai hộ hay không sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ có xác nhận của chính quyền, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ...

TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Không phải cứ người thân là sẽ gạch bỏ khỏi phức tạp...

Về đề xuất cho phép mang thai hộ bổ sung tại Luật Hôn nhân gia đình, tôi cho rằng người làm luật cần tính toán kỹ về việc hạn chế đối tượng mang thai hộ, nếu không sẽ dẫn đến nhiều phức tạp, những tranh chấp nảy sinh sau khi ký hợp đồng, về dân sự, lợi ích, xung đột tình cảm, ý chí...

Thông điệp của người làm luật khi gói gọn theo phạm vi người thân mang thai hộ, theo tôi có lẽ là ở khía cạnh gợi ý tình cảm người thân, thân tộc của người Việt theo cách dễ xử lý hơn, tức là họ xuất phát từ cách nhìn có tính khá truyền thống, có tính gói gọn mức độ đơn giản nhất có thể. Tuy nhiên, không phải người thân thì sẽ tốt hơn là người không thân. Trong xã hội hiện đại lại càng không thể tính toán đơn giản như thế. Không phải cứ người thân là sẽ gạch bỏ khỏi phức tạp nảy sinh của quá trình cho mang thai hộ. Chính vì thế, tôi cho rằng người làm luật cần tính toán thật kỹ lưỡng, đầy đủ các khía cạnh logic có thể có của sự việc chứ không nên làm theo kiểu lược bớt đối tượng đi như hiện nay mà không thấy được hết mọi phức tạp nảy sinh khi điều khoản được thực thi.

D.H (ghi)


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn nguy cơ thương mại hóa đẻ thuê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.