(HNMO) - Sáng 17-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp và luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ ngày 16-8-2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 103 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực.
Đến nay, Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành được 71 văn bản, còn 32 văn bản nợ chưa ban hành. Thời gian tới, Chính phủ và các bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 118 văn bản (32 văn bản nợ chưa ban hành và 86 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực).
Về kết quả thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, tổng cộng các cơ quan của Chính phủ đã tiến hành rà soát được 8.779 văn bản. Trong số này có 28 nội dung quy định trong 41 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo; 64 nội dung quy định trong 77 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã ban hành 55 luật, trong đó 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Tính đến tháng 8-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Một số luật có từ 80% đến 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Đặc biệt, có một số nội dung sau gần 3 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết.
“Qua giám sát cho thấy, không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung được luật giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Đánh giá công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, kết quả rà soát của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các bộ cơ bản được thực hiện tốt, nhưng có nhiều hạn chế chưa thể giải quyết triệt để. Đơn cử như nội dung luật còn chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ, đặc biệt là việc chậm ban hành quy định, hướng dẫn thi hành luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của hạn chế chủ yếu đến từ việc các cấp chưa chuyên tâm đến công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
Nêu quan điểm về việc chậm ban hành quy định, hướng dẫn thi hành luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, do giao thoa nội dung giữa các luật và nhận thức khi xây dựng văn bản dưới luật.
“Để giải quyết vấn đề giao thoa giữa các luật phải đi đến tận cùng bản chất của luật. Đồng thời, trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành phải phối hợp để có sự thống nhất, bảo đảm vận hành cùng lúc các luật theo hệ thống pháp luật của Nhà nước”, ông Phan Thanh Bình nói.
Cùng quan tâm nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra tình trạng 32 văn bản chưa được ban hành, trong đó có 20 nghị định, 1 quyết định và 11 thông tư.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các báo cáo, đồng thời chỉ ra một số vấn đề cần được bổ sung chi tiết. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ mười.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.