Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách

Hương Thủy| 19/03/2019 16:51

(HNMO) - Thời gian qua, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ. Vì thế, việc chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.


Số ca mắc sởi tiếp tục tăng

Tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần từ 11 đến 17-3, thành phố ghi nhận thêm 82 trường hợp mắc sởi, đưa tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 494 trường hợp. Các ca mắc phân bố tại 29 trong số 30 quận, huyện, thị xã.

Số ca mắc sởi tập trung ở khu vực nội thành chiếm 73%. Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Ba Đình là những quận ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi.

Khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà, cha mẹ cần thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ. (Ảnh minh họa: Internet)


Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi mà tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh gây suy giảm miễn dịch. Do đó, trẻ em mắc bệnh sởi rất dễ bị biến chứng nếu không được chữa trị kịp thời.

Các biến chứng có thể gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu sinh tố (vitamin) A. Các biến chứng này rất nặng và dễ gây tử vong.

Bệnh có những dấu hiệu điển hình như: Sốt 38-40 độ C và sốt liên tục, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy mũi, viêm kết mạc, hắt hơi, tiêu chảy.

“Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít”, bác sĩ Hoàng Văn Kết chia sẻ dấu hiệu cơ bản để nhận biết bệnh sởi.

Thường thì 3-4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Khi mắc bệnh, trẻ ăn kém, mệt mỏi. Sau khi ban bay, trẻ lại sức dần và hết sốt.

Cách chăm sóc trẻ bị sởi

Khi  đưa trẻ đi khám, nếu bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú thì có thể chăm sóc và điều trị cho bé tại nhà.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Kết, trẻ bị sởi cần được cách ly, tránh tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh và tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. “Bệnh lây lan mạnh nhất vào thời điểm trẻ mọc phát ban nên cần cách ly nghiêm ngặt vào giai đoạn này; vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn nơi ở thông thoáng, sạch sẽ”, bác sĩ lưu ý.

Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Người chăm sóc trẻ theo dõi nhiệt độ, chườm ấm nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ; cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên theo chỉ định của bác sĩ.

Virus sởi tấn công vào hệ miễn dịch, gây suy giảm miễn dịch, vì vậy, cần hạn chế trẻ tiếp xúc với các nguồn bệnh khác và theo dõi sát các dấu hiệu nặng lên của bệnh do bội nhiễm.

Trẻ cũng cần được đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, vitamin để nâng cao sức đề kháng. Phụ huynh nên lựa chọn các thức ăn mềm, lỏng để trẻ dễ tiêu hóa, hấp thu; cho trẻ ăn làm nhiều bữa. Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho bú mẹ và bổ sung khẩu phần ăn với những trẻ được trên 6 tháng tuổi.

Bác sĩ lưu ý, trẻ bị sởi không cần kiêng tắm. Tuy nhiên, khi tắm cho trẻ phải chọn thời điểm tắm đủ ấm, kín gió, tắm xong cần lau khô cho trẻ ngay nhằm tránh nhiễm lạnh.

Về phòng bệnh sởi, bác sĩ Hoàng Văn Kết cho biết, cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa sởi là tiêm vắc xin đủ 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi để trẻ có miễn dịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.