(HNMO) - Chiều 9-7, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, với trách nhiệm là người đứng đầu UBND thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu HĐND thành phố, cử tri và dư luận quan tâm.
Nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất
Nghiêm túc ghi nhận, tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, lãnh đạo UBND thành phố nhận thức sâu sắc rằng, các vấn đề được nêu lên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mong muốn đóng góp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố. Chủ tịch UBND thành phố đã làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.
Về việc thu hồi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì; thường xuyên định kỳ rà soát doanh nghiệp nợ đọng; Cục Thuế thành phố thường xuyên thông báo công khai doanh nghiệp nợ đọng; UBND thành phố và Cục Thuế cùng các sở, ngành thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố thống nhất chỉ đạo, tất cả doanh nghiệp nợ đọng thuế trên địa bàn đều không được cấp mới và gia hạn dự án đầu tư mới.
Đối với những dự án mà không rõ địa chỉ doanh nghiệp, thời gian tới, thành phố sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giao cán bộ thuế trực tiếp tổ chức xác minh, chuyển danh sách để lực lượng công an thành phố hỗ trợ. Sau thời hạn nhất định, thành phố sẽ tổ chức thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Đủ nhà tái định cư cho các dự án lớn của thành phố
Thông tin đến các đại biểu Dương Đức Tuấn, Hồ Vân Nga và một số đại biểu khác về kết quả đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thừa nhận, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 32,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (33,5%).
Việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công có nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, thành phố đã kiểm điểm rõ trách nhiệm và xác định để tồn đọng vốn là có lỗi với người dân. Về khách quan, có một số tác động khi Luật Đầu tư công có hiệu lực; việc phê duyệt danh mục đầu tư công còn chậm...
“Thành phố xác định, không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đầu năm 2016, UBND thành phố đã đề xuất Thường trực Thành ủy và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua việc nâng chính sách đền bù GPMB cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ mức 3,2 triệu đồng lên 6,8 triệu đồng. Nhờ vậy, có nhiều dự án, như dự án đường vành đai 2, có khu vực có tới 95 đến 98% người dân nhận tiền đền bù chứ không lấy nhà tái định cư.
Ngoài ra, thành phố được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư theo hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư các dự án, chứ không dùng ngân sách. Hiện nay, các dự án lớn của thành phố như vành đai 3, 2, 1 và các dự án khác đều được bố trí đủ quỹ nhà tái định cư.
Tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy chưa hiệu quả
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, HĐND thành phố liên tiếp chất vấn các thành viên UBND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, hằng năm, trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp vẫn coi thường công tác PCCC. Ở nhiều công trình nhà riêng, nhà ống, chủ nhà, chủ cửa hàng kinh doanh chưa quan tâm đến cửa thoát hiểm nên đã xảy ra những trường hợp tử vong rất thương tâm. Tại nhiều cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, hệ thống PCCC đã hết thời hạn sử dụng nhưng việc giám sát, thay hệ thống mới chưa được quan tâm. Nhiều tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ lâu, khi Luật PCCC chưa ra đời, nên không có thệ thống PCCC... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng nhưng chưa được thực hiện hiệu quả, nhất là tuyên truyền về kỹ năng PCCC.
Chủ tịch UBND thành phố mong mỗi người dân, gia đình trang bị kiến thức PCCC cho chính bản thân và người thân; đồng thời, thường xuyên kiểm tra công trình, thiết bị PCCC, nếu hết hạn phải thay mới. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần thẩm định chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về PCCC với các hình thức hiệu quả hơn.
Liên quan một số tòa nhà chung cư vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm mật độ, vi phạm số tầng khiến số căn hộ vượt quá quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện người dân mong mỏi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ quy định hiện hành, đây là vấn đề khó. Thời gian tới, tập thể UBND thành phố sẽ rà soát lại những cơ sở này, báo cáo Chính phủ, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tăng cường lắp đặt hệ thống PCCC và cải tạo hệ thống thang máy để bảo đảm vận hành.
Trong phát biểu, Chủ tịch UBND thành phố cũng làm rõ các thông tin về nhiều lĩnh vực khác như việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; định hướng phát triển công nghiệp của thành phố; quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo; xử lý ô nhiễm môi trường sông, hồ trên địa bàn thành phố...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, trong quá trình điều hành của thành phố vẫn còn để xảy ra những tồn tại, hạn chế như: Chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; chỉ số giá tăng cao hơn cùng kỳ; bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc, nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp so với cả nước; công tác quản lý, vận hành chung cư tái định cư còn bất cập; tội phạm "tín dụng đen", ma túy diễn biến phức tạp...
Phát biểu khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ chín đã thành công. Mặc dù nội dung chất vấn khó, liên quan tới nhiều ngành nhưng các nội dung đặt ra đều đã được hoàn thành.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố, một số điểm nhấn của phiên chất vấn tại kỳ họp này là: Việc lựa chọn nội dung chất vấn với 3 nhóm vấn đề đều là các vấn đề được đại biểu đồng tình cao và cử tri quan tâm.
“Trước kỳ họp, HĐND thành phố đã giao các Ban của HĐND rà soát, chỉ ra những tồn tại và giải pháp cho thời gian tới. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của UBND, HĐND thành phố, phiên chất vấn đã đưa ra những tư liệu và giải pháp thiết thực”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét.
Phiên chất vấn lần này có sự tham gia của các đại biểu không chuyên trách nhiều nhất từ trước đến nay, với 22 đại biểu không chuyên trách đặt câu hỏi, chiếm 67% tổng số đại biểu tham gia chất vấn, cho thấy tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm rất cao của các đại biểu HĐND thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.