(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5414/UBND-KT (ngày 18-11-2020) về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công sai mục đích.
Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên:
Lập đề án sử dụng tài sản công đúng mục đích
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thì tài sản phải được phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị - các hoạt động tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, du lịch, điện ảnh và các hoạt động khác theo quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ các quy định pháp luật, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê hoặc liên doanh, liên kết đều lập đề án sử dụng đúng mục đích, xin phép cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật liên quan. Đặc biệt, theo tôi, phải tuyệt đối tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng tới quyền lợi của đơn vị sự nghiệp công lập từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Lại Yên, huyện Hoài Đức:
Việc làm cần thiết và kịp thời
Theo Khoản 5 Điều 126 và Khoản 3 Điều 132 của Luật Đất đai năm 2013, thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 5 năm. Cũng như xã Lại Yên, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố đang có quỹ đất công là vùng trũng, thùng đấu, vùng bãi... đang được cho thuê thầu theo quy định, phát huy giá trị sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, để bảo đảm sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch khi cho thuê thầu đất công ích, việc UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả đất công) là rất cần thiết và kịp thời. Qua đó, có thể sớm phát hiện các hành vi vi phạm, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về việc lấn chiếm, sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công trái phép...
Luật sư Lại Huy Phát, Văn phòng luật sư Huy Phát, ngõ 128C phố Đại La, quận Hai Bà Trưng:
Tránh gây thất thoát tài sản nhà nước
Công văn số 5414/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội ra đời trên cơ sở Công văn số 12290/BTC-QLCS, ngày 7-10-2020, của Bộ Tài chính đề nghị các địa phương trên cả nước rà soát các trường hợp đang sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Theo quy định hiện hành, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập nếu phát sinh trước ngày 1-1-2018 phải được rà soát và xử lý chuyển tiếp. Với các trường hợp phát sinh từ ngày 1-1-2018 phải lập đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Sau những tiêu cực được phát hiện tại một số bệnh viện tuyến trung ương trong hoạt động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp bên ngoài thời gian qua, đây là giải pháp cần thiết để siết chặt quản lý tài sản công, chấm dứt tình trạng sử dụng sai mục đích, tránh gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
Bà Vũ Thu Hương, ngõ 371, phường Kim Mã, quận Ba Đình:
Góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra rất nhiều tồn tại trong việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2019 của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Trong bối cảnh đó, việc UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm việc xác định giá trị tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo cơ chế thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật là rất đúng và trúng. Từ kết quả rà soát có thể chấm dứt các trường hợp vi phạm, thu hồi số tiền thu không đúng quy định.
Mặt khác, việc quy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên trực tiếp và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập để xảy ra sai phạm là biện pháp mạnh, góp phần ngăn chặn hành vi tham ô, tham nhũng từ hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.