(HNM) - Liên tiếp những ngày qua, hàng loạt cây xanh tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị đốn hạ, chết khô hoặc vàng lá, héo úa… Những
Thời gian qua, cây xanh trên nhiều tuyến đường TP Hồ Chí Minh bị chết khô, héo úa. |
Ghi nhận của PV Báo Hànộimới ngày 4-5, tại đầu đường Nguyễn Văn Trỗi (đoạn giao từ đường Hoàng Văn Thụ về đến Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận), nhiều cây xanh tiếp tục có hiện tượng khô và rụng lá. Tương tự, tại đường Phan Đình Giót và Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), một số cây xanh cũng bắt đầu héo dần. Trước đó, hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1 và Quận 10); Tôn Thất Tùng (Quận 1); Tân Quý (quận Tân Phú); Hòa Hảo (Quận 11); Nguyễn Văn Hưởng (Quận 2) đã bị xâm hại. Nghiêm trọng hơn, trên đường Trường Sơn (đối diện cổng ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) nhiều cây Me Tây liền kề nhau đồng loạt bị xuống lá và chết.
Theo nhận định của Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn thành phố, việc xâm hại cây xanh diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp như: Đốn hạ trái phép, chặt ngang thân, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất để cây chết dần. Điển hình trường hợp cây Dầu cổ thụ trên đường Hòa Hảo (Quận 11), qua kiểm tra, xung quanh gốc cây bị đào xới, đồng thời, có dấu hiệu bị đổ hóa chất do có mùi hôi xung quanh gốc cây.
Tương tự, cây Dầu cổ thụ (đường Tôn Thất Tùng, Quận 1) có dấu hiệu bị "đầu độc"; cây Sọ Khỉ cổ thụ (đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 1) xung quanh gốc cây có mùi hóa chất, khả năng bị đổ hóa chất để làm chết cây. Hoặc như 6 cây Me Tây liền kề trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình) bị chết khô, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh nhận định, qua kiểm tra, Sở cùng các đơn vị liên quan phát hiện dưới các gốc cây có mùi hóa chất lạ, đồng thời, thảm cỏ trồng xung quanh bị héo và chết. "Việc xâm hại cây xanh gây bức xúc trong dư luận và người dân. Qua điều tra sơ bộ, rất có thể các cây này có dấu hiệu bị đầu độc. Hiện vẫn chưa thể xác định được cá nhân, tổ chức nào cố tình phá hại các cây xanh này" - ông Kỷ khẳng định.
Cũng theo ông Kỷ, trước diễn biến phức tạp của việc xâm hại cây xanh trên địa bàn thành phố, Sở đã có báo cáo và kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm điển hình để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự thời gian tới. Đồng thời, các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh đều có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý nhưng thường thiếu thông tin phản hồi, hoặc nếu có lại không có kết quả do không bắt được quả tang. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình như "khu phố tự quản" hoặc "dân tự quản"… để người dân địa phương được biết và cùng tham gia bảo vệ cây xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.