UBND quận Hai Bà Trưng vừa thông tin bằng văn bản tới Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội về kết quả rà soát thông tin cây sao đen trăm tuổi trên phố Lò Đúc bị đốn hạ.
Vận động nhân dân cùng chăm sóc, bảo vệ cây xanh
Theo đó, trên địa bàn quận có 6.858 cây xanh trên các tuyến phố có mặt cắt trên 16m do thành phố quản lý và 4.447 cây xanh do UBND quận quản lý, duy trì trên 21 tuyến phố, 9 vườn hoa và 2 công viên (chưa bao gồm cây xanh tại ngõ, ngách, trụ sở cơ quan, trường học).
Hằng năm, UBND quận đều dành nguồn lực xứng đáng cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, duy trì cây xanh. Trước những vấn đề phát sinh trong thực tế quản lý, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn cây xanh đô thị trên địa bàn quận, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, UBND quận đã ban hành văn bản ngày 28-3 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn cây xanh đô thị, trong đó chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND 18 phường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, lực lượng chức năng của quận, UBND 18 phường đã triển khai các biện pháp tích cực để thực hiện, đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; hỗ trợ giám sát, phát hiện và thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý đối với hành vi xâm hại cây xanh trên địa bàn. Đặc biệt, các hộ mặt tiền các tuyến phố lớn có cây xanh ký cam kết không xâm hại, cùng phối hợp chăm sóc, bảo vệ cây.
Tiếp tục kiểm tra, xử lý nếu cây xanh bị xâm hại
Đối với thông cây sao đen trăm tuổi trên phố Lò Đúc bất ngờ bị đốn hạ, theo văn bản số 76/UBND ngày 28-3 của UBND phường Phạm Đình Hổ, từ ngày 1-11-2023, UBND phường có văn bản số 311/UBND đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra cây có dấu hiệu nguy hiểm, chết khô tại vị trí trên hè phố trước cửa các biển số nhà 40 phố Lê Ngọc Hân; 65 và 71 phố Lò Đúc.
Tiếp đó, ngày 29-12-2023, UBND phường nhận được đơn kiến nghị của người dân về việc cây sao đen trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc có dấu hiệu chết khô, nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố.
Ngày 2-1-2024, UBND phường đã có văn bản số 01/UBND gửi Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội; Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đề nghị kiểm tra và có biện pháp xử lý, trồng thay thế (nếu cây bị chết).
Ngày 22-1-2024, Sở Xây dựng đã có văn bản giao Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội và UBND phường Phạm Đình Hổ kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh, thống nhất cách xử lý để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ngày 23-2-2024, tại biên bản kiểm tra hiện trường, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội; Trung tâm hạ tầng Kỹ thuật đô thị thành phố Hà Nội và UBND phường Phạm Đình Hổ xác định cây bị chết khô, mục rỗng gốc, nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây thay thế theo đúng quy định.
Ngày 28-3, UBND thành phố đã có Văn bản số 871/UBND-TTĐT về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ảnh nghi vấn cây sao đen trăm tuổi ở Hà Nội bị "bức tử" trước khi đốn hạ và các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.
UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND phường và các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để phục vụ, phối hợp với các cơ quan xác minh, làm rõ theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Các đơn vị cũng tổ chức rà soát, lập danh sách, chụp ảnh hiện trạng cây xanh trên vỉa hè các tuyến phố trước mặt nhà trên địa bàn để lập hồ sơ theo dõi, quản lý, giám sát; phối hợp đơn vị quản lý yêu cầu các hộ dân ký cam kết không xâm hại và cùng phối hợp bảo vệ cây xanh; kịp thời xử lý các hành vi xâm hại đến cây xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.