Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu vượt lắp ghép chỉ là một giải pháp

Bảo Nga - Thùy Ngân| 06/06/2012 07:07

(HNM) - Thời gian qua, hàng loạt cây cầu vượt lắp ghép được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tuy có nhiều ưu điểm như thời gian thi công ngắn, tiết kiệm chi phí, thi công đơn giản... song nhiều ý kiến cho rằng, cầu vượt lắp ghép vẫn tồn tại một số vấn đề bất cập...

Anh Vũ Trường Giang (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm):
Hiệu quả ngoài sức mong đợi

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng cầu vượt kiểu này, bởi nó có nhiều ưu điểm so với những cây cầu vượt bằng bê tông cốt thép. Thử làm một phép so sánh: cầu vượt lắp ghép được xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ khoảng 3 tháng với mức đầu tư gần 70 tỷ đồng/chiếc. Trong khi đó, để xây dựng một cây cầu vượt bằng bê tông cốt thép, thời gian thi công kéo dài hàng năm trời, với kinh phí lên tới vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong trường hợp hoạt động không hiệu quả hoặc cần xây dựng các giải pháp giao thông khác mức, cầu vượt lắp ghép có thể tháo dỡ, di chuyển đến vị trí khác; còn cầu bê tông cốt thép thì chỉ có cách duy nhất là phá bỏ. Quan sát tình hình giao thông thực tế tại các cây cầu vượt lắp ghép thời gian qua cho thấy, các điểm ùn tắc trước kia nay đã có phần thông thoáng...

Những cây cầu vượt lắp ghép đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Như Ý 

Bà Vũ Tuyết Loan (phường Trung Liệt, quận Đống Đa):
Cần thêm nhiều giải pháp nữa

Từ khi có cầu vượt lắp ghép, tình trạng ùn tắc tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà đã được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc của cả một tuyến đường vẫn chưa có phương án giải quyết tối ưu. Điển hình là người tham gia giao thông theo hướng Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng đã qua được ngã tư bằng cầu vượt, nhưng vẫn không thể lưu thoát nhanh trên tuyến Nguyễn Lương Bằng với làn đường chật hẹp, lại có hai điểm giao nhau với phố Hồ Đắc Di và lối rẽ vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa luôn xảy ra xung đột giao thông. Chính vì vậy có những ngày, dòng người xe ùn tắc đến tận chân cầu vượt lắp ghép. Điều đó cho thấy rằng, công trình cầu vượt lắp ghép mới chỉ giải quyết được ùn tắc tại một điểm giao thông, chưa đủ sức để giải quyết ùn tắc trên cả tuyến đường, cần phải có thêm nhiều giải pháp "thông tuyến" hơn nữa.

Ông Hoàng Minh Phương (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa):
Phải song hành với việc đẩy nhanh thi công các dự án khác

Sau nhiều năm khởi công xây dựng, dự án cống hóa mương Cát Linh - La Thành - Yên Lãng hiện vẫn dở dang. Tốc độ thi công chậm chạp đã tạo ra một công trường bề bộn kéo dài từ địa bàn phường này sang phường khác, suốt năm này qua năm khác, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực mà còn gây cản trở giao thông. Tại hai điểm nối giữa tuyến cống hóa này với phố Thái Hà và ngõ Thái Thịnh 2 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Đây là tuyến đường nhỏ, lưu lượng giao thông không lớn, chắc chắn sẽ không thể áp dụng phương án thi công cầu vượt lắp ghép. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai ngã tư nêu trên chỉ có thể bằng cách đẩy nhanh tốc độ thi công công trình, sớm hoàn thành một con đường hoàn chỉnh, có lắp đặt các tín hiệu điều khiển giao thông, thì người dân mới có thể đi lại dễ dàng.

Chị Hoàng Thùy Vân (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai):
Không nên nóng vội

Cầu vượt lắp ghép thực tế đã phát huy được hiệu quả của nó. Tuy nhiên, việc Hà Nội vội vàng triển khai ồ ạt nhiều cây cầu lắp ghép cùng lúc cũng cho thấy nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Có cảm giác chúng ta thiếu một quy hoạch tổng thể, nên các công trình đều được thực hiện theo cách vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Thậm chí, chưa kịp rút kinh nghiệm đã ồ ạt cho xây dựng tiếp. Hơn nữa, chúng ta tập trung xây dựng cùng lúc hàng loạt cầu vượt lắp ghép ở khu vực nội đô, "bỏ quên" các tuyến đường vành đai, khiến khu vực này vẫn tiếp diễn ùn tắc. Chưa kể, khi thi công những cây cầu vượt này, cơ quan chức năng mới chú trọng giải tỏa ùn tắc giao thông, chưa quan tâm nhiều đến sự xuất hiện của cây cầu vượt có phá vỡ cảnh quan, kiến trúc giao thông toàn khu vực hay không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu vượt lắp ghép chỉ là một giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.