(HNM) - Nhu cầu xây dựng ngày càng tăng, sản xuất gạch thủ công chiếm trên dưới một nửa thị phần, nên thật dễ hiểu khi lò gạch thủ công bung ra phát triển ở khắp nơi như "nấm mọc sau mưa". Lợi nhuận lớn, đầu tư lớn, hợp đồng đã ký, là "miếng cơm manh áo" của rất nhiều người… là những lý do rất dễ làm "mủi lòng" những người quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công. Nhưng…
Khói lửa nung đốt ngày đêm, xe tải rầm rập phá nát những con đường dân sinh… biến cuộc sống của người dân thôn quê vốn bình yên trở nên ngột ngạt, khổ sở. Vì lò gạch mà nảy sinh bức xúc, rồi khiếu kiện. Khói lò gạch làm giảm năng suất cây trồng, tác động xấu đến sức khỏe người dân, các bệnh hô hấp, bệnh về mắt, bệnh về da đều cao hơn rất nhiều so với địa phương không có lò gạch. Chưa hết, việc khai thác đất làm gạch thiếu quy hoạch, thiếu hướng dẫn đã hủy hoại tài nguyên đất, xâm hại môi trường nghiêm trọng.
Nếu đem những điều dễ làm "mủi lòng" khi quyết định xóa lò gạch với những tác hại mà nó gây ra, có lẽ không cần phải nói, chúng ta cũng đủ thấy việc xóa bỏ lò gạch thủ công cần thiết tới nhường nào. Đây cũng là lý do để Chính phủ xác định chấm dứt hoàn toàn hoạt động của lò gạch thủ công trong năm 2010 (Quyết định 115/2001/QĐ-TTg).
Thế nhưng, trên thực tế, việc xử lý các lò gạch thủ công vẫn chậm chạp, thậm chí có biểu hiện thờ ơ, thiếu quyết liệt. Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), chỉ trong vài năm, hơn 400 lò gạch đã mọc lên dọc đê sông Hồng. Đến nay, việc xử lý tiến triển rất tốt. Nhưng ngay bên kia sông Hồng, hàng chục lò gạch thuộc địa bàn huyện Đan Phượng vẫn nhả khói đều đặn. Tại huyện Thường Tín, Báo Hànộimới ra ngày 7-5 phản ánh tình trạng "đánh trống bỏ dùi" trong xử lý sai phạm liên quan đến lò gạch thủ công. Dù đã 5 lần cưỡng chế, nhưng vẫn không triệt để… Phải chăng các địa phương vẫn còn coi nhẹ tác hại của lò gạch thủ công đối với môi trường và sức khỏe người dân hay là vì TP chưa "chỉ tận tay, day tận trán", báo chí chưa lên tiếng thì chưa làm hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn?
Thực trạng ô nhiễm môi trường sống đang thức tỉnh chúng ta. Những vụ việc nổi đình đám như Vedan, Tung Kuang, hay mới nhất là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi ("đầu độc" sông Trà Khúc) cảnh báo rằng, nếu không ra tay kịp thời, sự an toàn của môi trường sẽ rất khó giữ được.
Hà Nội đã xác định hướng phát triển công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp - nông nghiệp sạch. Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, yếu tố "sạch - xanh" được coi trọng. Những định hướng đó sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa nếu giải quyết thiếu kiên quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường từ số lượng lò gạch thủ công đang tồn tại ở nhiều nơi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.