Y tế

Cậu bé có lòng bàn chân không chạm đất đã có thể tự đi

Thu Trang 04/08/2023 - 11:19

Từ khi sinh ra, hai bàn chân và hai bàn tay của bé B.M (6 tuổi) đã bị biến dạng. Đặc biệt, bàn chân bị ngoẹo sang một bên, lòng bàn chân không thể chạm được xuống đất khiến bé chỉ có thể di chuyển bằng cách bò.

Chị G, mẹ của bé B.M, chia sẻ, vào năm 2017, chị sinh bé thuận lợi. Thế nhưng, khi con chào đời, các bác sĩ phát hiện hai chân và hai tay của bé không được bình thường. Lúc đó, các bác sĩ chẩn đoán, bé bị mắc cứng đa khớp và không thể cứu chữa.

Chị G đã đưa con đi khắp các bệnh viện kiểm tra và đều nhận được những cái lắc đầu của các bác sĩ. Tuy vậy, chị G vẫn quyết cho con tập phục hồi chức năng và chờ cơ hội.

be-bm-truoc-va-sau-khi-duoc-phau-thuat(1).jpg
Bé B.M trước và sau khi được phẫu thuật

Điều kỳ diệu cũng đến. Khi nhận được tin đoàn chuyên gia chấn thương chỉnh hình từ châu Âu thuộc Tổ chức nhân đạo quốc tế Children Action sang thăm và làm việc tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), chị G đã đưa con đến viện để nhờ các bác sĩ khám và chẩn đoán.

Tại đây, bé M được xác định nguyên nhân dị tật là do yếu tố thần kinh chứ không đơn giản chỉ là cứng đa khớp. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bé M. Kết quả, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.

“Con mất 2 tháng bó bột, 1 tháng phục hồi. Sau đó M được tháo bột và tập phục hồi chức năng. Lần đầu tiên con đi được, cảm giác hai vợ chồng như vỡ òa sau 6 năm chờ đợi mỏi mòn”, chị G xúc động kể.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) - người trực tiếp điều trị cho M chia sẻ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công. Bệnh nhi được nẹp chân và tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn. Hiện nay, 7 tháng sau mổ, M đã có thể tự đi không cần người dắt tay.

“Tuy nhiên, để giúp bệnh nhi trở về cuộc sống bình thường, cần một hành trình dài. Bệnh nhi cần được đánh giá theo từng giai đoạn và phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật khác”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay.

Từ trường hợp này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo, có hàng chục dị tật xương khớp bẩm sinh, hầu hết đều ảnh hưởng nhiều tới khả năng vận động, tâm lý và phát triển của trẻ sau này. Do đó, nên cho trẻ thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nhi. Nhờ đó, trẻ sẽ được các bác sĩ tư vấn phác đồ thực hiện các biện pháp can thiệp hoặc phẫu thuật kịp thời, mang lại hiệu quả thẩm mỹ và chức năng vận động cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cậu bé có lòng bàn chân không chạm đất đã có thể tự đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.