Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thiết mở rộng cao tốc khu vực phía Nam

An Tôn| 24/08/2022 07:15

(HNM) - Khu vực phía Nam đang có hơn 150km đường cao tốc, nhưng tốc độ lưu thông trung bình trên các tuyến này chỉ khoảng 50km/h. Tình trạng ùn ứ, quá tải, tai nạn giao thông thường xuyên diễn ra. Vì thế, nhu cầu mở rộng cao tốc phía Nam đang trở nên rất cấp thiết.

Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đang phải tiếp nhận lượng phương tiện vượt quá 1,5 lần công suất thiết kế, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

Ùn ứ trên các tuyến

Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường cao tốc đầu tiên của miền Nam. Dài hơn 53km, tuyến cao tốc với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp này là tuyến huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh với trung tâm công nghiệp, cảng biển ở tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, tình hình quá tải, tắc nghẽn, ùn ứ đang thường xuyên xảy ra, nhất là đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, dài hơn 20km.

Anh Vũ Ngọc Dương, một tài xế thường xuyên đi trên tuyến này ngán ngẩm chia sẻ: “Quãng thời gian mệt mỏi với tất cả các lái xe đi trên cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành là từ 7h đến 19h hằng ngày. Cuối tuần hay ngày nghỉ còn mệt mỏi hơn, vì xe quá đông, đường thì chật. Những lúc như thế, xe chạy được 30-40km/h là quý lắm rồi”.

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65.000 PCU/ngày - đêm, vượt quá năng lực thiết kế 48.000 PCU/ngày - đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Còn theo Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư và khai thác tuyến cao tốc này, dự kiến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2025, có khoảng 80% khách đến sân bay là từ thành phố Hồ Chí Minh. Nếu không nhanh chóng mở rộng, tình hình giao thông sẽ rất phức tạp.

Cùng chung tình cảnh, tuyến cao tốc thứ hai của miền Nam là cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 100km cũng đang quá tải. Trong đó, đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương dài hơn 60km (từ thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An, nối đến điểm đầu địa phận tỉnh Tiền Giang) đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp cách đây hơn 10 năm. Đến nay, đoạn cao tốc này không đáp ứng với lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng (51.000 lượt xe/ngày - đêm), vượt 1,5 lần công suất thiết kế. Cao tốc thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ, Tết; không bảo đảm việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Còn đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km chạy qua tỉnh Tiền Giang vừa đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (4 làn xe, không có làn khẩn cấp) từ ngày 30-4-2022 đến nay đã nhanh chóng đạt công suất khoảng 23.000 lượt xe/ngày - đêm, chạm ngưỡng mãn tải được tính toán trước đó cho năm 2025. Tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông thường xuyên diễn ra.

Việc cấp bách

Để đáp ứng sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội của khu vực, UBND tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị cấp thẩm quyền về việc nhanh chóng mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lên 10-12 làn xe như thiết kế, kịp với tiến độ triển khai sân bay Long Thành. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Đây là việc rất cấp bách”. Còn Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng thông tin, từ cuối năm 2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai mở rộng cao tốc này, nhất là đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành.

Về phía VEC, doanh nghiệp này cho biết, đã sẵn sàng huy động 9.000 tỷ đồng để đầu tư mở rộng đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành lên 8 làn xe. Dự kiến dự án được khởi công từ quý III-2022 và hoàn thành trong quý I-2026. Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang cùng các bên đánh giá những vấn đề liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Với đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, trong tháng 8-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải sớm cho phép triển khai mở rộng cao tốc này theo phương thức đầu tư công hoặc đối tác công tư (PPP), dự kiến hoàn thành vào năm 2025; quy mô 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp. Đáng chú ý, hiện đang có một số doanh nghiệp muốn tham gia dự án này.

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền với dự án mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 2.650 tỷ đồng.

Với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2,  Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), đầu tư giai đoạn 2, hoàn thành trong năm 2025. Quy mô đầu tư là mở rộng từ 2 làn xe lên 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 9.504 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 4.700 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết mở rộng cao tốc khu vực phía Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.