Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thiết kiểm soát sim di động

Việt Nga| 25/03/2023 06:30

(HNM) - Hơn 10 ngày nay, các doanh nghiệp viễn thông di động liên tục thông báo thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải chuẩn hóa lại, nếu không sẽ bị chặn liên lạc sau ngày 31-3. Cũng từ thực trạng này cho thấy, vấn đề quản lý thông tin thuê bao, sim kích hoạt sẵn để từ đó ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn rất cấp thiết.

Khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao tại cửa hàng giao dịch của Công ty Dịch vụ viễn thông Việt Nam (VinaPhone). Ảnh: Thái Linh

Vấn nạn “sim rác“

Theo ước tính của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau hơn 10 ngày cơ quan quản lý triển khai các giải pháp bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vẫn còn gần 3 triệu thuê bao chưa đi chuẩn hóa thông tin (trong tổng số gần 4 triệu thuê bao). Trong khi đó đến ngày 31-3, thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị chặn 1 chiều. Hiện Cục Viễn thông và 7 nhà mạng tiếp tục tuyên truyền để người dùng đi chuẩn hóa thông tin, bảo đảm quyền lợi.

Song, theo một chuyên gia viễn thông, số lượng thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không còn nhiều (đã được đối soát để tìm ra) và không phải là vấn nạn… Vấn nạn là việc đại lý dùng căn cước công dân thật để đăng ký rất nhiều thuê bao; không ít trường hợp mua dữ liệu căn cước công dân trên “chợ đen”, dùng đăng ký sim rồi bán ra thị trường.

Vấn đề này cũng đã được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra, các nhà mạng để xảy ra việc bán sim kích hoạt sẵn đã được nhập thông tin thuê bao; để cho 1 cá nhân đăng ký rất nhiều sim, cá biệt có cá nhân đăng ký tới hơn 1.000 sim (nhà mạng Vietnamobile) để đem bán. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng sử dụng sim không chính chủ. "Sim rác" bị các đối tượng xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn, thực hiện cuộc gọi rác, lừa đảo.

Những hành vi vi phạm nêu trên cũng đã bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính (tháng 9-2022) với 7 nhà mạng (Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, Đông Dương (I-Tel), Mobicast) và chi nhánh, cùng 39 đại lý, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở thông tin và truyền thông địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra "sim rác" trên thị trường.

3 giải pháp căn cơ

Sau hàng loạt giải pháp ngăn chặn, nhất là sau đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao, liệu "sim rác" có bị hạn chế? Trả lời câu hỏi này, đại diện các nhà mạng thừa nhận, một nguyên nhân khiến "sim rác" tồn tại là do nhân viên chịu sức ép chỉ tiêu kinh doanh, đã tìm cách “lách” quy định. Từ năm 2020 đến nay, các nhà mạng triển khai nhiều giải pháp công nghệ, hành chính để ngăn chặn "sim rác", tin nhắn rác, cuộc gọi rác và đã đạt được kết quả nhất định.

Song, để xử lý hiệu quả, đại diện các nhà mạng cho rằng, trong khi các quy định còn đang sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông nên ban hành thông tư hoặc hình thức văn bản quy phạm pháp luật phù hợp (như áp dụng mô hình thử nghiệm sandbox) quy định mỗi cá nhân không quá 5 sim/nhà mạng; chỉ duy nhất nhà mạng mới được kích hoạt sim thuê bao mới. Ngoài điểm giao dịch đăng ký và kích hoạt sim mới, có thể cho phép khách hàng tự đăng ký thông tin thuê bao hòa mạng mới trên ứng dụng, trang web của nhà mạng. Đặc biệt mở cơ chế đối soát trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữa doanh nghiệp viễn thông di động với cơ quan công an.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề xuất, đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý sim, chỉ cho khách hàng đăng ký 1 thuê bao/nhà mạng và đây sẽ là giải pháp triệt để chặn "sim rác". Cùng với đó cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trước các tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lợi dụng "sim rác" thực hiện cuộc gọi lừa đảo…

Cũng theo đại diện các doanh nghiệp, hiện nhà mạng đã sẵn sàng thực hiện đối soát trực tuyến, tuy nhiên giữa nhà mạng và cơ quan công an chưa triển khai giải pháp này. Do đó, thay vì thời gian đối soát trực tuyến chỉ mất vài chục giây, thông tin chính xác ngay từ đầu, thì việc đối soát đang ở khâu “hậu kiểm”, bằng cách đối soát offline (theo hình thức nhà mạng định kỳ gửi danh sách sang đối soát với cơ quan công an), mất thời gian cho doanh nghiệp lẫn khách hàng…

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, các thuê bao di động đang hoạt động phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của chính khách hàng (trong các dịch vụ hành chính công, bảo mật tài khoản…) mà còn góp phần giảm đáng kể tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Liên quan đến đối soát thông tin trực tuyến, Cục Viễn thông đang cùng các doanh nghiệp xây dựng phương thức thống nhất để trao đổi với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) với mục tiêu đối soát trước khi phát triển thuê bao, hướng tới 100% thuê bao sẽ được phát triển theo phương thức này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết kiểm soát sim di động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.