(HNMO) - Dịch Covid-19 tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh và lan rộng ra 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng 21-3, đã có 274.606 người nhiễm, 11.370 trường hợp tử vong. Trong đó, Italia tăng thêm 5.986 ca nhiễm, 627 bệnh nhân tử vong - mức tăng kỷ lục tính từ khi dịch bùng phát tại nước này.
Châu Âu
Tại Italia, số ca tử vong do dịch Covid-19 sáng 21-3 đã vượt lên 4.023 người trong tổng số 47.021 bệnh nhân. Bất chấp nỗ lực của chính phủ và hệ thống y tế, quốc gia Nam Âu này đang phải gồng mình để đối phó với dịch bệnh, nhiều người dân Italia vẫn chưa nghiêm túc trong việc thực hiện lệnh phong tỏa. Đây đang là vấn đề cấp bách đối với Chính phủ và chính quyền các vùng, đặc biệt là vùng tâm dịch Lombardy. Điều này buộc Bộ Nội vụ phải huy động và triển khai lực lượng quân đội tại các khu vực cụ thể để bảo đảm việc thực hiện nghiêm quy định hạn chế đi lại.
Cùng ngày, giới chức y tế Italia xác nhận một nhóm chuyên gia y tế gồm 53 bác sĩ và y tá Cuba sẽ có mặt tại tỉnh miền Bắc Lombardy nước này vào hôm nay (21-3) để giúp đối phó với dịch bệnh. Trong thông báo, ông Giulio Gallera, cố vấn y tế vùng Lombardy cho biết, đây là nhóm chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từng tham gia chống dịch bệnh Ebola và có kinh nghiệm ứng phó với những loại dịch bệnh tương tự.
Tại Anh, số ca tử vong do vi rút SARS-CoV-2 đã tăng lên 177 người trong tổng số 3.983 bệnh nhân. Bệnh viện Northwick Park tại thủ đô London đã tuyên bố thiếu giường cho bệnh nhân cần được điều trị đặc biệt do số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Theo tin từ Chính phủ Anh, nước này sẽ thực hiện xét nghiệm nhiều hơn và rộng hơn, chứ không chỉ dừng ở các ca đã nhập viện. Tuy nhiên, các cơ sở y tế tại Anh cho tới lúc này chỉ có khả năng thực hiện 5.000 xét nghiệm một ngày.
Tại Đức, Chủ tịch Viện Kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (RKI), ông Lothar Wieler cảnh báo, tất cả người dân ở bất kỳ độ tuổi nào đều có nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đặc biệt những người cao tuổi sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Theo ông, không giống những vi rút cúm thông thường, vi rút SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn, khiến cho tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng cao. Đây chính là nguyên nhân quan trọng buộc người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình để bảo đảm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Chủ tịch RKI Lothar Wieler cũng đưa ra kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, vẫn còn nhiều người dân Đức chủ quan và chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2. Ông cho rằng, chỉ khi người dân hoàn toàn tuân thủ các quy định thì mới có thể kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh này xuống mức thấp nhất.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun cho biết, từ nay đến cuối tuần, nếu người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định thì chính phủ sẽ buộc phải đưa ra biện pháp áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn liên bang. Dự kiến, Thủ tướng Angela Merkel sẽ có cuộc thảo luận với thủ hiến các bang ở Đức về vấn đề này vào ngày 22-3.
Tính tới thời điểm này, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đức là 19.848 người, 68 trường hợp tử vong.
Châu Á
Ấn Độ ghi nhận sự gia tăng mạnh các trường hợp nhiễm chủng mới của vi rút corona với 63 ca trong một ngày, nâng tổng số người mắc bệnh lên 249 người, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút, Ấn Độ đã siết chặt các biện pháp, như cấm tất cả các chuyến bay chở khách thương mại quốc tế đến nước này trong một tuần kể từ ngày 22-3. Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu người dân thực hiện lệnh giới nghiêm tự nguyện vào ngày 22-3 bằng việc không ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h hằng ngày. Công ty đường sắt Ấn Độ cũng đã hủy hơn 3.500 chuyến tàu chở khách trong ngày 22-3 để hưởng ứng lệnh giới nghiêm.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã xác nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Bệnh nhân là một người đàn ông 88 tuổi, được đưa vào khu cách ly của Trung tâm y tế Shaare Tzingek một tuần trước trong tình trạng nghiêm trọng và có bệnh lý nền như tim mạch và huyết áp. Tính đến thời điểm này, Israel đã có tổng cộng 705 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 10 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại Trung Quốc, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 là 80.967 người, 3.248 ca tử vong. Giới chức địa phương thông báo, thành phố Vũ Hán - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 sẽ mở lại một số trung tâm thương mại cho cư dân một cách có trật tự. Theo Sở Thương mại thành phố Vũ Hán, các trung tâm thương mại tại các cộng đồng dân cư và làng mạc không còn ghi nhận những ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 có thể buôn bán trở lại. Những trung tâm này chủ yếu bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán thực phẩm tươi, rau củ và hoa quả cũng như các nhu yếu phẩm thường ngày. Mỗi hộ gia đình có thể cho một người mỗi ngày ra ngoài mua sắm với giấy thông hành một lần hoặc một mã y tế điện tử. Mỗi đợt đi mua sắm sẽ chỉ giới hạn trong vòng 2 giờ.
Châu Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, đã ghi nhận 19.069 ca dương tính với chủng mới của vi rút corona, tăng 5.280 ca so với thống kê trước đó. CDC cũng lưu ý rằng tại Mỹ đã có thêm 43 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 250 người. Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận tại tất cả 50 tiểu bang, quận Columbia, vùng lãnh thổ Puerto Rico, đảo Guam và quần đảo Virgin. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không cân nhắc phương án phong tỏa toàn quốc ở thời điểm hiện tại, và ông nghĩ rằng sẽ không cần thiết phải phong tỏa toàn quốc.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay các biện pháp hạn chế đi lại giữa Mỹ và Canada sẽ được xem xét lại sau 30 ngày. Theo ông, các biện pháp hạn chế tại biên giới sẽ kéo dài chừng nào vẫn cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, quân đội Mỹ cho hay, khoảng 2.600 quân nhân Mỹ, bao gồm cả những nhân viên quốc phòng đồn trú tại châu Âu, hiện đang tự cách ly sau khi được xác định là những đối tượng có thể bị phơi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Tại Mexico, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết, nước này đã ghi nhận 164 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca tử vong và 448 người nghi nhiễm vi rút. Ông cho biết, việc hạn chế đi lại không cần thiết giữa Mexico và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ 0h (giờ địa phương) ngày 21-3 là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Chính sách này nhằm thắt chặt đối với du lịch mà không ảnh hưởng tới hoạt động thương mại song phương. Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.
Ngoại trưởng Marcelo Ebrard cũng thông báo, Chính phủ Mexico đang nghiên cứu khả năng đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại từ châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.