(HNM) - Dù thành phố chỉ đạo khá quyết liệt, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ cấp GCN vẫn chậm trễ và còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ...
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa , nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Ảnh: Thái Hiền |
Tiến độ chậm
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngay từ đầu năm 2016, Sở TN&MT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện. Để bảo đảm tiến độ, Sở TN&MT phân công rõ người, rõ việc chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh. Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các huyện, thị xã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn thực hiện cấp GCN cho hộ dân. Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hùng cho biết, về cơ bản công tác cấp GCN đã tháo gỡ được khó khăn về kinh phí, phôi giấy in... Tuy vậy, tiến độ cấp GCN ở nhiều địa phương vẫn chậm.
Đánh giá về nhiệm vụ cấp GCN đất nông nghiệp cho các hộ dân sau DĐĐT trên địa bàn, Trưởng phòng TN&MT huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, trong tổng số 68.092 hồ sơ cần cấp GCN trên địa bàn, đến hết tháng 8-2016, mới kê khai đăng ký được 18.141 hồ sơ; số hồ sơ đã tiếp nhận chuyển về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện là 133 và số GCN đã cấp vẫn chưa thực hiện. Tương tự, tại Ba Vì, dù thành phố và huyện đều vào cuộc khá quyết liệt, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, nhân lực đã được tăng cường để triển khai công tác cấp GCN nhưng trong tổng số 24.000 GCN cần cấp, huyện mới giải quyết được hơn 1.000 trường hợp... Theo tổng hợp của Sở TN&MT, lũy kế đến 30-8-2016, trên địa bàn 18 huyện, thị xã mới cấp được 215.159 GCN đất nông nghiệp sau DĐĐT, đạt 23,39% so với số lượng GCN cần cấp.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, quá trình triển khai cấp GCN đất nông nghiệp cho các hộ dân sau DĐĐT gặp khó khăn do: Một số hộ có khẩu được giao ruộng theo Nghị định 64 của Chính phủ đã chết từ những năm trước đây, không để lại di chúc, nhưng người có quyền thừa kế hiện không có tại địa phương, thủ tục khai nhận thừa kế. Mặt khác, việc cấp GCN theo phương án giao ruộng khi DĐĐT cách đây mấy năm, một số địa phương lập phương án sơ sài, không phù hợp với thực tế giao ruộng tại cơ sở, thiếu hồ sơ làm căn cứ thực hiện như: Phương án không thể hiện hệ số K, không thể hiện định mức giao ruộng cho mỗi nhân khẩu... Ngoài ra, danh sách giao nhận ruộng tại thực địa chưa được xác nhận nhưng đã thực hiện giao ruộng ngoài thực địa, thậm chí có nơi tự ý chia thêm tăng so với định mức được giao theo Nghị định 64 mà không phải là hệ số K; một số tiểu ban DĐĐT ở các địa phương chưa thiết lập biên bản giao ruộng, sơ đồ giao ruộng... cũng gây khó khăn trong quá trình tổ chức cấp GCN.
Những khó khăn nêu trên diễn ra ở nhiều huyện, thị xã trên địa bàn thành phố trong quá trình triển khai cấp GCN đất nông nghiệp cho các hộ dân sau DĐĐT. Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ba Vì Lê Đình Minh cho biết, tiến độ cấp GCN của huyện Ba Vì chậm do hồ sơ chưa hoàn thiện. “Sau DĐĐT, nhiều tiểu ban ở các thôn làm thất lạc hồ sơ giao ruộng, một số nơi có hồ sơ nhưng thiếu chặt chẽ cần củng cố lại. Ước tính, số hồ sơ nằm trong diện này chiếm khoảng 40% tổng số hồ sơ cần cấp GCN” - ông Lê Đình Minh cho biết thêm. Để đẩy nhanh tiến độ, quan điểm của huyện Ba Vì là hướng dẫn đồng loạt các xã triển khai nhưng trên tinh thần dễ làm trước, khó làm sau. Phòng TN&MT huyện tiếp nhận hồ sơ; với hồ sơ hợp lệ sẽ chuyển sang Văn phòng đăng ký đất đai để cấp GCN ngay. Tuy nhiên, để đẩy nhanh công tác này cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn. Thực tế, tại huyện Ba Vì, một số xã quyết tâm và có cách làm bài bản, quá trình cấp GCN đạt kết quả khá cao, đơn cử như các xã Thái Hòa, Phú Phương, Sơn Đà thực hiện khá tốt, ngược lại, nơi nào thiếu quan tâm hoặc chỉ “phó mặc” cho cán bộ địa chính thì kết quả đạt thấp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức cấp GCN đất nông nghiệp cho các hộ dân sau DĐĐT, Sở TN&MT đã ban hành có Hướng dẫn số 8420/ STNMT-ĐKTKĐĐ (ngày 29-8-2016) về việc cấp lại, cấp đổi GCN với từng nội dung cụ thể. Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã giao phòng kinh tế khẩn trương thực hiện rà soát, hoàn thiện các phương án theo đúng quy định của pháp luật. Hà Nội phấn đấu đến hết tháng 9-2016, cấp 459.987/919.974 GCN đất nông nghiệp cho các hộ dân sau DĐĐT, đạt 50% theo chỉ tiêu các huyện, thị xã đã đăng ký.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.