(HNMO) - Ngày 15-3, theo tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội, tại đây vừa cấp cứu thành công bệnh nhi N.P (12 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị viêm cơ tim do Covid-19 gây ra.
Trước đó, ngày 10-3, bé P được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng không nói được, khó thở, ho ra máu, SpO2 chỉ là 80% (độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi). Bé P có tiền sử khỏe mạnh.
Mặc dù khi nhập viện, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19, nhưng các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhận định, đây là trường hợp nghi mắc Covid-19 diễn biến nặng. Sau khi tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả, bé P dương tính với Covid-19.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội đã nhanh chóng sơ cấp cứu và chuyển bệnh nhi đến Khoa Hồi sức nhi để tiến hành đặt nội khí quản. Do tình trạng của bệnh nhi diễn biến xấu, chỉ số thở máy lên cao, huyết động không ổn định nên phải duy trì hai vận mạch.
Một ngày sau đó, bệnh nhi xuất hiện rối loạn nhanh thất và ngưng tuần hoàn buộc các bác sĩ phải tiến hành sốc điện cấp cứu. Cùng với đó, do chức năng tim giảm nhiều, các bác sĩ đã dùng thuốc rối loạn nhịp cho bệnh nhi nhưng không đáp ứng.
Các bác sĩ đánh giá, đây là trường hợp mắc Covid-19 trở nặng, bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp. Bệnh nhi được chỉ định đặt ECMO (thiết bị tuần hoàn tim, phổi ngoài cơ thể).
Trong quá trình đặt máy ECMO, bệnh nhi vẫn phải sốc điện và cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 2 ngày chạy ECMO, tình trạng bệnh nhi tốt dần lên và được cai ECMO. Đến ngày thứ 3, bệnh nhi được rút nội khí quản, huyết động đã ổn định. Hiện tại, sức khỏe của bé P đã ổn định và tự thở được khí trời.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trọng Tú, Khoa Hồi sức nhi (Bệnh viện Tim Hà Nội) khuyến cáo, trẻ mắc Covid-19 trở nặng chưa nhiều nhưng các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Do những biểu hiện bệnh ở trẻ khá đa dạng, không chỉ có các triệu chứng hô hấp mà cả ở các cơ quan khác như tim, não… nên cần phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo Hướng dẫn chăm sóc tại nhà với trẻ em mắc Covid-19 được Bộ Y tế ban hành ngày 3-3, trẻ nhỏ cách ly tại nhà khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo nhân viên y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám kịp thời:
Cụ thể, đối với trẻ dưới 5 tuổi, dấu hiệu đầu tiên cần lưu tâm là về tinh thần, trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật. Trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt, chườm hay lau người bằng nước ấm, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
Bên cạnh đó, trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở bằng hoặc hơn 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi thở bằng hoặc hơn 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi thở hơn hoặc bằng 40 lần/phút. Trẻ biểu hiện thở bất thường như khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
Một số dấu hiệu khác liên quan đến mất nước ở trẻ như: Môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít... Da trẻ tím tái, nôn mọi thứ, không bú được hoặc không ăn, không uống được, đo chỉ số SpO2< 96%. Ngoài ra, trẻ mắc thêm các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Trẻ trên 5 tuổi, các triệu chứng bất thường như sau: Cảm giác khó thở; ho thành cơn không dứt; không ăn uống được; sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; nôn mọi thứ; đau tức ngực; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; chỉ số SpO2<96%; thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hơn hoặc bằng 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi hơn hoặc bằng 20 lần/phút; thở bất thường co kéo hõm ức, liên sườn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.