(HNMO) - Ngày 19-6, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin về ca cấp cứu sản phụ bị nhau cài răng lược thể nặng nhất, rất hiếm gặp, nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, ngày 21-5-2023, sản phụ N.N.T, 38 tuổi, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi có thai ở tuần thứ 32,5. Kết quả khám và kiểm tra cho thấy, sản phụ trong tình trạng nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược thể Percreta - thể nặng nhất. Bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung.
Bác sĩ nhận định, đây là một trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên ngay lập tức sản phụ được nhập viện, lên phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ tiêm thuốc hỗ trợ phổi cho sản phụ nhằm dự phòng tình trạng suy hô hấp của thai nhi có nguy cơ bị sinh non.
Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI xác định sản phụ có nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược thể Percreta. Đây là thể ít phổ biến nhất nhưng nghiêm trọng nhất gây mất máu nặng, nguy hiểm tính mạng người mẹ và sinh non hoặc chấm dứt thai kỳ đối với thai nhi.
Trong trường hợp này của sản phụ, bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung, rất có thể gây băng huyết nặng, nguy cơ suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng và đa số trường hợp phải cắt tử cung.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Trưởng khoa Sản thường, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sản phụ đã sinh mổ 3 lần, trong lần mang thai con thứ 4 này đã phát hiện nhau tiền đạo từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Mặc dù có nhiều nguy cơ cho sức khỏe nhưng sản phụ rất mong muốn giữ được thai nhi nên các bác sĩ rất nỗ lực để kéo dài thời gian dưỡng thai.
Cuộc phẫu thuật diễn ra vào tuần thứ 33,5 của thai kỳ. Ê kíp phẫu thuật đã thành công trong việc mổ lấy thai kết hợp đặt bóng chèn động mạch chậu trong lúc mổ. Lượng máu mất chỉ bằng một nửa so với các ca mổ nhau cài răng lược trước đây. Điều quan trọng nhất là bảo tồn được tử cung, không bị cắt đi.
Sau ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ, sản phụ tiếp tục được theo dõi tích cực tại bệnh viện và xuất viện sau đó 7 ngày. Lúc này, các bác sĩ lại gặp một thách thức khác khi điều trị cho trẻ sinh non tháng của sản phụ. Bé trai cân nặng 2.400 gram, non tháng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, còn ống động mạch có đường kính ống to ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, thông liên nhĩ, vàng da, tăng bilirubin gián tiếp.
Các bác sĩ nỗ lực tích cực điều trị cho trẻ và tiến hành đóng thành công ống động mạch bằng thuốc sau 20 ngày điều trị. Ngày 15-6-2023, bé được xuất viện trong vòng tay mẹ với sự vui mừng, hạnh phúc của gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.