Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với mặt trái của internet

Vũ Duy Thông| 15/05/2013 05:43

(HNM) - Có những nghề kinh doanh phát đạt, lãi lớn nhưng ít khi lọt vào "tầm ngắm" của các cơ quan chức năng như thuế, quản lý thị trường… Một trong những nghề đó là kinh doanh công nghệ cao, dân dã hơn, gọi là bán hàng trên internet.

Trên thế giới, tình trạng ăn cắp, lừa gạt qua internet đã trở thành nỗi lo lớn ở nhiều quốc gia. Vừa rồi, giới chức Mỹ đã chính thức phản đối Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức lấy cắp dữ liệu bí mật quốc gia của họ bằng cách thâm nhập vào các địa chỉ cơ sở dữ liệu của trang mạng Chính phủ, Bộ Quốc phòng. Trong lĩnh vực kinh tế, trên thế giới, thông qua internet, bọn bất lương đã tiến hành nhiều vụ lừa đảo, vụ lớn nhất gần đây các nạn nhân đã bị chiếm đoạt tới hơn 47 triệu USD. Ở Việt Nam, cơ quan an ninh mạng cũng đã phát hiện (có vụ hàng trăm nghi can nước ngoài) ăn cắp cước phí điện thoại qua mạng, trốn thuế, ăn cắp số tài khoản ngân hàng, tài khoản rút tiền qua ATM, bán hàng qua mạng một cách táo tợn. Hàng nghìn điểm chơi games, trung tâm điện thoại di động… tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội đã được kiểm tra, xử lý sai phạm. Tuy thế, công tác quản lý hoạt động kinh doanh ở môi trường này mới chỉ như muối bỏ bể, có thể nói rằng vẫn gần như bị thả nổi, gây nhiều thiệt hại và ngày càng tiềm ẩn những hiểm họa khó lường.

Tiến hành các cuộc phỏng vấn, câu trả lời nhận được từ hầu hết các chuyên gia là an ninh mạng của Việt Nam đang tồn tại một lỗ hổng lớn. Bất kỳ một trang mạng nào, dù tự hào có trình độ bảo mật tốt đến đâu, đều có thể dễ dàng bị xâm nhập, ăn cắp hoặc phá hoại cơ sở dữ liệu. Tranh thủ khi người dùng còn chưa hiểu nhiều về an ninh mạng, bọn lưu manh, lừa đảo đã không từ các thủ đoạn nào từ ăn cắp thông tin, tiến hành hàng loạt hành vi phạm pháp bằng cách xâm nhập các dịch vụ tiền gửi ngân hàng, bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp… Riêng kinh doanh games, hiện nước ta có 200 phần mềm, đa phần là sao chép của nước ngoài. Các phần mềm này 90% có nội dung bạo lực, không chỉ tiêu tốn thời gian, tiền bạc của giới trẻ mà còn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hành vi tội ác, hành xử theo kiểu xã hội đen. Theo thống kê, 75% các can phạm giết người, cướp giật nghiêm trọng bị bắt và kết án hiện nay đều dính dáng đến ma túy, nghiện games. Với những người kinh doanh games, tình trạng kết nối vượt số máy đăng ký, mở cửa quá giờ, trốn thuế… diễn ra khá phổ biến. Đáng lo ngại như vậy nhưng việc phát hiện sai phạm, phạt tiền, đóng cửa hoặc rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn rất ít hoặc hầu như chưa xảy ra. Nước ta chưa có luật sử dụng và kinh doanh qua internet nên dù phát hiện sai phạm cũng thiếu chế tài xử lý, các chế tài xử lý hành chính cũng chưa đủ sức răn đe với người sai phạm. Nhưng, bên cạnh mặt bất cập đó còn là tình trạng buông lỏng, lơ là và những biểu hiện "tham nhũng vặt" trong công tác quản lý dịch vụ điện tử đang biến việc kinh doanh trong lĩnh vực này thành nơi kiếm nhiều lời lãi cho cá nhân, gây tác hại lớn cho xã hội.

Hà Nội là địa phương có tình trạng tội phạm internet rất cao. Mong rằng các cấp chính quyền của thành phố quan tâm hơn tới lĩnh vực lâu nay công tác quản lý vẫn gần như bỏ ngỏ, không theo kịp với thực tế này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với mặt trái của internet

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.