Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cánh chim đầu đàn" của ngành Giáo dục Thủ đô

Thống Nhất| 02/10/2015 06:44

(HNM) - Trong phong trào thi đua yêu nước những năm qua, có rất nhiều cái tên đã góp phần làm nên truyền thống, niềm tự hào không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn của người dân Thủ đô.


Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm) là một trong số những điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015. Đây cũng là đơn vị được đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tiên phong trong nhiều hoạt động

Trường THCS Ngô Sỹ Liên từ lâu đã trở thành tấm gương điển hình của ngành Giáo dục Thủ đô và là địa chỉ tin cậy, được nhiều phụ huynh gửi gắm. Những kết quả trong giảng dạy, học tập, đổi mới kiểm tra, đánh giá, hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội… là bề nổi, đằng sau đó, như nhận định của cô giáo Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, đó là sự mạnh dạn, đoàn kết và quyết tâm cao của cả tập thể nhà trường trong suốt chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển. Chính sức mạnh tập thể đã làm nên những kết quả tự hào, năm nào trường cũng được công nhận danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc", "Đơn vị xuất sắc trong các phong trào thi đua" "Lá cờ đầu thành phố cấp THCS", được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng khác.

Hằng năm, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 99%; tỷ lệ HS khá, giỏi đạt trên 90%; kết quả thi vào lớp 10 THPT đứng đầu quận Hoàn Kiếm; nằm trong tốp 10 trường có điểm xét tuyển cao nhất thành phố; kết quả thi GV dạy giỏi, thi HS giỏi các cấp luôn nằm trong tốp đầu các trường có nhiều giải và nhiều giải cao của thành phố (khoảng 40 giải/năm).


Những năm qua, Trường THCS Ngô Sỹ Liên là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh (HS). Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cũng là giải pháp thiết thực, tác động trở lại đối với việc dạy, việc học của thầy và trò nhà trường, cũng là căn cứ để cấp quản lý kịp thời có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực HS.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo "Dạy thực chất, học thực chất" của Bộ GD-ĐT, những năm gần đây, bài kiểm tra một tiết của 5 môn: Toán, văn, tiếng Anh, vật lý và hóa học đều được triển khai theo hình thức "ba chung", tức là đề chung, chấm chung, thời gian kiểm tra chung cho toàn bộ HS của 4 khối lớp. Hình thức này cũng được áp dụng với bài kiểm tra định kỳ cho tất cả các môn học. Việc đánh giá HS cũng không chỉ thông qua điểm số mà được kết hợp bằng cả định lượng và định tính, bao quát toàn bộ quá trình rèn luyện, học tập của HS. Trường Ngô Sỹ Liên còn được biết đến là đơn vị tiên phong trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe giới tính cho HS, với việc thành lập Phòng Tư vấn tuổi hồng (vào năm 2010). Việc trang bị kỹ năng sống, kịp thời sẻ chia, gỡ rối những khó khăn cho HS đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Chất lượng giáo viên là gốc

Để có được những kết quả bền vững như hôm nay, Hiệu trưởng Lý Thị Lương cho biết, ở bất kỳ giai đoạn nào, Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi trọng việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), bởi đây là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của ngành và nhà trường, là yếu tố "gốc" tạo nên những chuyển biến về chất lượng. Trường luôn chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để GV được học tập, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% GV của trường đều đạt chuẩn trình độ đào tạo; năm nào, trường cũng có từ 2 đến 3 GV đoạt giải cấp thành phố, là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua dạy tốt của quận và thành phố.

Một trong những giải pháp được nhà trường phát huy tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ là xây dựng điển hình trong từng tổ, nhóm chuyên môn về từng mặt hoạt động, tạo đà để lôi cuốn tập thể tham gia, học tập kinh nghiệm và nhân rộng.

Việc dự giờ, thăm lớp cũng được đổi mới theo hướng quan sát những chuyển biến của HS trong giờ học, chứ không chỉ quan tâm xem GV dạy nội dung gì như trước đây. Cách thức này đòi hỏi GV phải bao quát HS hơn, từ đó điều chỉnh phương pháp, mức độ yêu cầu sao cho mọi HS có khả năng nhận thức khác nhau đều có thể phát huy tối đa khả năng. Đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy ý thức trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi nhà giáo để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, khẳng định vị thế "đầu đàn" của trường trong hệ thống giáo dục Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cánh chim đầu đàn" của ngành Giáo dục Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.