(HNM) - Chỉ chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường mà Washington cáo buộc do Chính phủ Syria tiến hành, rạng sáng 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phản ứng cứng rắn đầu tiên.
Mục tiêu đợt tấn công nhắm tới là đường băng, máy bay và trạm tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Al-Shayrat thuộc tỉnh Homs, miền Trung Syria. Nơi này được cho là điểm xuất phát của các máy bay quân sự Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin khiến 86 người thiệt mạng (trong đó có 26 trẻ em) và hơn 500 người khác bị thương. Tìm kiếm sự ủng hộ cho quyết định của mình, Washington trước đó đã công bố ảnh radar cho thấy máy bay của Syria rời đường băng và hướng tới khu vực bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học. Theo Bộ trưởng Thông tin Syria Ramez Turjman, vụ tấn công tên lửa của Mỹ đã khiến 6 người thiệt mạng. Hãng tin RIA của Nga, dẫn lời một nhân viên tại căn cứ không quân của Syria, cho hay căn cứ bị Mỹ tấn công đã hư hỏng nghiêm trọng và toàn bộ các máy bay không còn khả năng hoạt động. Về phần mình, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tại thời điểm oanh tạc, Sân bay Al-Shayrat có sự hiện diện của công dân Nga nhưng không có máy bay của nước này. Song, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng khả năng thương vong của lực lượng Nga là không lớn bởi trước đó hai bên đã có nhiều cuộc đàm phán, trong đó có cả cảnh báo trước của Mỹ về các vụ tấn công.
Trước khi phát lệnh tấn công một ngày, ông D.Trump cũng từng gay gắt chỉ trích Chính phủ Syria "vượt qua giới hạn đỏ", đồng thời nhấn mạnh thái độ của ông đối với Syria đã thay đổi. Cho rằng Damascus vi phạm Công ước Cấm vũ khí hóa học, người đứng đầu nước Mỹ đã bóng gió về việc sẽ tiến hành các hoạt động đáp trả cứng rắn. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley cũng tuyên bố nước này có thể đơn phương hành động nếu Liên hợp quốc chần chừ về các vấn đề Syria sau vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, việc Mỹ tránh tấn công cơ sở hạ tầng và nhân sự Nga tại Sân bay Al-Shayrat phản ánh thực tế Washington dường như chưa muốn căng thẳng giữa hai bên leo thang tới mức độ nguy hiểm hơn.
Thế nhưng, điều đó dường như không giúp Mỹ tránh khỏi những phản ứng dứt khoát từ phía Nga. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố ngừng hợp tác quân sự với Mỹ ở Syria, khẳng định Mátxcơva sẽ không bao giờ đồng ý với hành động không hợp pháp nhằm vào chính quyền Syria. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đồng thời kêu gọi triệu tập phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bàn về sự việc trên. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên án truyền thông phương Tây quá vội vàng khi đưa ra cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời coi đây là những hành vi nhằm đổ vấy trách nhiệm cho Mátxcơva. Phát ngôn của bà Zakharova được đưa ra cùng ngày với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Nga đã không bảo đảm thực thi thỏa thuận năm 2013 về việc quản lý chặt chẽ các loại vũ khí hóa học tại Syria, cáo buộc Mátxcơva hoặc cố tình vi phạm hoặc không đủ năng lực để duy trì những điều khoản đặt ra. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Homs cho rằng hành động tấn công của Mỹ chỉ tạo lợi thế cho các lực lượng khủng bố tại đây nói riêng, trên toàn Syria nói chung. Hiện nay, dù phía Mỹ đã tuyên bố hoàn tất việc tấn công và sẽ ngừng bắn tên lửa “cho tới khi một quyết định khác được đưa ra”, nhưng tình hình chung vẫn hết sức căng thẳng và khó đoán định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.