(HNM) - Ngay sau khi Litva chính thức từ bỏ đồng nội tệ lita để trở thành thành viên thứ 19 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Quốc hội Armenia đã thông qua quyết định gia nhập Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU).
Hai sự kiện diễn ra trong những ngày đầu năm 2015 này đều đã được lên kế hoạch từ cách đây khá lâu, song một lần nữa phản ánh xu hướng trái ngược trong không gian hậu Xô Viết và mức độ gay gắt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây đối với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Litva hy vọng việc gia nhập Eurozone sẽ hỗ trợ sự phát triển kinh tế của nước này. |
Được thành lập như một động thái nhằm hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, song, trong hơn 23 năm qua, tổ chức phần nhiều có tính hình thức này liên tục phải chứng kiến những biến động chính trị ở nhiều nước thành viên mà nguyên nhân chủ yếu được cho là từ tham vọng Đông tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trên thực tế, để kiềm chế ảnh hưởng của Nga, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) luôn muốn chia rẽ SNG, cho dù SNG không phải là Liên Xô. Điều mà các nước phương Tây lo ngại là một khi Nga đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy SNG phát triển thành một tổ chức liên kết chặt chẽ và hiệu quả sẽ làm trỗi dậy cái mà họ cho là tham vọng phục hồi Liên bang Xô Viết. Điều này đe dọa trực tiếp tới lợi ích của phương Tây. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, NATO với thành phần gồm Mỹ và EU đã có những động thái ủng hộ, "chiêu dụ" các thành viên của SNG.
Kết quả là, lần lượt Litva, Estonia và Latvia gia nhập EU và mới đây, Gruzia, Moldova và Ukraine đã ký hiệp định liên kết với ngôi nhà chung 28 thành viên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Litva gia nhập Eurozone được nhìn nhận như một bước đi nhằm khẳng định quyết tâm dứt khỏi sự ảnh hưởng của Nga dù chưa thể biết được việc sử dụng đồng euro sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với nền kinh tế nước này. Hiện tại, nhiều người dân Litva vẫn hoài nghi về triển vọng đồng euro và không tán thành việc từ bỏ đồng lita - biểu tượng cho bản sắc của đất nước. Ngoài ra, để chuyển đổi sang đồng euro, Litva sẽ tốn khoảng 600 triệu euro, một gánh nặng về kinh tế trong bối cảnh EU vẫn đang phải chịu nhiều hậu quả của khủng hoảng nợ.
Về phía Nga, sự có mặt của Armenia trong EEU được coi như động thái nhằm củng cố một liên minh có nhiều khả năng trở thành đối trọng của EU trong tương lai. Nói cách khác, EEU là bước đi quan trọng của Nga nhằm hoàn thiện giấc mơ một Liên minh Á - Âu hợp nhất hơn, là một xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Với 5 quốc gia thành viên gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgystan, EEU trở thành một thể chế rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương 1/8 của EU. Liên minh là một thị trường rộng lớn về diện tích với dân số 170 triệu người, tổng sản lượng kinh tế dự báo là 4.500 tỷ USD và tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa vào khoảng 900 tỷ USD. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, GDP của liên minh này có thể tăng thêm 5% và trong 10 năm tới sẽ tăng từ 15% đến 17%. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định liên kết hoạt động chung trong khuôn khổ một hiệp hội lớn không chỉ củng cố nền kinh tế, giải quyết nhiều thách thức, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước thành viên trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, sự hình thành EEU và việc mở rộng liên kết của EU với các quốc gia từng là thành viên SNG không khỏi khiến người ta lo ngại về sự gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa các nước lớn tại khu vực vốn được coi là "sân nhà" của Nga. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine - được coi như "ngòi nổ" cho Chiến tranh lạnh phiên bản mới giữa Nga và phương Tây chưa tìm được lối thoát thì những can thiệp từ bên ngoài nhằm làm thay đổi bản đồ địa - chính trị tại khu vực này chỉ khiến mối quan hệ Đông - Tây thêm căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định của thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.