(HNM) - Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố chính thức nối lại quy trình khởi kiện Tokyo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), yêu cầu WTO mở một hội đồng giải quyết tranh chấp để xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với nước này vốn có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái. Động thái trên khiến căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang “nóng” trở lại.
Bất đồng trong lĩnh vực thương mại giữa Seoul và Tokyo lên tới đỉnh điểm vào tháng 7-2019 khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 hóa chất quan trọng trong sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Đây là những nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất chip và màn hình, vốn là hai trụ cột của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Các động thái này của Tokyo thực chất là biện pháp trả đũa đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến và tịch thu tài sản của các doanh nghiệp này tại Hàn Quốc.
Hai quốc gia cũng đã loại nhau khỏi danh sách ưu đãi thương mại và Seoul đe dọa hủy hiệp ước chia sẻ tình báo quân sự với Tokyo. Sau đó một tháng, Nhật tiếp tục công bố loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" (các quốc gia được ưu đãi đơn giản hóa quy trình cấp phép xuất khẩu).
Hàn Quốc cho rằng, những biện pháp của Nhật Bản đã vi phạm các quy tắc của WTO. Tháng 9-2019, Seoul gửi đơn khiếu nại lên WTO, nhưng đến tháng 1-2020 Hàn Quốc đã hoãn yêu cầu này như một động thái thể hiện thiện chí nhằm tìm kiếm sự đột phá cho căng thẳng thương mại giữa hai nước. Đến tháng 5-2020, Seoul tiếp tục hối thúc Tokyo dỡ bỏ các quy định hạn chế xuất khẩu, đồng thời kêu gọi quốc gia láng giềng cùng nỗ lực để vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song Nhật Bản đã không đổi ý. Khi những bất đồng liên quan đến vấn đề này vẫn chưa có diễn biến tích cực nào, Seoul quyết định nối lại quy trình khởi kiện.
Phía Hàn Quốc cho biết, quá trình khiếu nại lên WTO là nhằm ngăn chặn những bất ổn về chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp cả hai nước. Căng thẳng thương mại này đang gây thiệt hại nhiều hơn cho Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản giảm 6,9% xuống 28 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản sang nước láng giềng này giảm mạnh hơn, ở mức 12,9%, xuống 47 tỷ USD. Đối với Seoul, việc loại bỏ các rào cản thương mại là rất quan trọng vì nền kinh tế nước này phụ thuộc vào xuất khẩu và đang chịu nhiều áp lực khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, đi lại trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, việc Seoul nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy hai bên không thể giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu thông qua thảo luận mà phải nhờ đến một tổ chức quốc tế. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ trích quyết định trên của Hàn Quốc. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho rằng, vấn đề cần được giải quyết thông qua thảo luận song phương.
Dẫu vậy, không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của quyết định khiếu nại này vì quá trình giải quyết tranh chấp mất rất nhiều thời gian. Theo trình tự, đầu tiên Hàn Quốc sẽ đề nghị thành lập Ban Hội thẩm lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Quy trình thẩm định thông thường mất khoảng 6 tháng. Tiếp đó là bước thông qua báo cáo hội thẩm, phúc thẩm, toàn bộ quá trình này có thể kéo dài tối đa 3 năm.
Theo các nhà phân tích, quyết định nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO của Seoul có thể gây sức ép nhất định đối với Tokyo, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang thiệt hại ngày một nặng nề do phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc. Đây cũng là lý do khiến Chính phủ Hàn Quốc một mặt công bố nối lại quy trình khởi kiện Tokyo, mặt khác vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.