(HNM) - Sau những tranh cãi liên quan tới cáo buộc của Pháp về việc các chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ có những hành vi “gây hấn” đối với tàu hộ vệ Courbet của hải quân nước này trên biển Địa Trung Hải, căng thẳng ngoại giao giữa hai bên ngày càng leo thang. Điều này đang khoét sâu thêm những rạn nứt trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nguyên nhân của mâu thuẫn này được châm ngòi từ ngày 10-6. Tàu Courbet đang thực hiện nhiệm vụ của NATO tại Địa Trung Hải thì nhận được lệnh kiểm tra tàu chở hàng có tên Cirkin của Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi ngờ vận chuyển vũ khí bất hợp pháp cho Chính phủ Libya. Tuy nhiên, các chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu Cirkin đã phản ứng rất cứng rắn và 3 lần dùng radar quân sự hướng bắn chiếu rọi. Bộ Quốc phòng Pháp cho rằng, hành động này thường được thực hiện trong trường hợp tàu chiến có ý định khai hỏa tên lửa. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ gọi những cáo buộc trên là vô căn cứ.
“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Ban đầu, Pháp không có ý định công bố rộng rãi vụ việc, song nhận định đây là một sự cố nghiêm trọng giữa 2 thành viên NATO nên đã nêu vấn đề này tại cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Paris tố cáo Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya, đồng thời phê phán thái độ thụ động của NATO, cho rằng liên minh quân sự không thể làm ngơ trước các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ và đã đến lúc phải thảo luận thẳng thắn về thái độ của thành viên này.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Pháp quyết định tạm dừng tham gia sứ mệnh an ninh của NATO trên Địa Trung Hải. Động thái trên được xem là nhằm buộc liên minh quân sự này phải có câu trả lời thỏa đáng cho những tranh cãi hiện nay và hơn hết là xác định liệu Thổ Nhĩ Kỳ có vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya hay không. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nước này chờ đợi lời xin lỗi vô điều kiện từ phía Pháp vì những “cáo buộc sai lệch” liên quan tới sự cố va chạm giữa hải quân hai nước.
Thời gian qua, dù luôn khẳng định lợi ích không thể tách rời với NATO, song Thổ Nhĩ Kỳ lại có những hành động gây mâu thuẫn với nhiều thành viên khác trong tổ chức quân sự này. Gần đây nhất là những tranh cãi với Hy Lạp về chủ quyền lãnh hải tại Địa Trung Hải và đường phân định biên giới tại vùng bãi bồi thuộc bờ Đông sông Evros. Ngoài ra, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Italia cũng đang tuột dốc kể từ khi Ankara can thiệp vào Libya với tham vọng khai thác tài nguyên tại quốc gia Bắc Phi này. Trong khi đó, lâu nay Libya vẫn được xem là “sân sau” của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Italia (ENI).
Theo các nhà phân tích, hiện có ít nhất 3 “cái gai” trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phần còn lại của NATO. Đầu tiên là quyết định của Ankara can thiệp vào Syria cũng như Libya. Kế đến là việc Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - từng là đối thủ của NATO thời kỳ chiến tranh Lạnh và là đối trọng của tổ chức quân sự này. Vấn đề người nhập cư cũng đang là rào cản trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên NATO thuộc Liên minh châu Âu (EU). Vì nằm ở cửa ngõ của các làn sóng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vượt Địa Trung Hải vào EU, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo Cựu lục địa đã nhiều lần thỏa thuận để Ankara chặn dòng người này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây như quân bài để "mặc cả" nhiều chính sách với EU.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên gia tăng, ngày 6-7, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả chuyến đi này mang tính chất quyết định liệu EU có áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Ankara nữa hay không tại cuộc họp các ngoại trưởng sẽ diễn ra vào ngày 13-7 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.