Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tôn trọng nghệ thuật!

Hoàng Lân| 05/01/2020 13:39

(HNMO) - Giờ biểu diễn được in trên vé là 20h, nhưng phải đến 20h40' chương trình mới bắt đầu. Đơn vị tổ chức yêu cầu khán giả không được quay video, livestream, chụp ảnh bằng flash vì ảnh hưởng đến chất lượng biểu diễn, nhưng vẫn có nhiều khán giả bỏ ngoài tai… Những hiện tượng này đang rất phổ biến trong các chương trình biểu diễn, gây không ít khó chịu, phiền hà cho cả người thưởng thức lẫn nghệ sĩ biểu diễn.

Vé xem chương trình biểu diễn ghi 20h nhưng 20h40' chương trình mới bắt đầu.

Liveshow “Q show 2” của ca sĩ Lệ Quyên diễn ra vào tối 4-1-2020 được thông báo bắt đầu lúc 20h. Đó cũng là giờ in trên chiếc vé được thiết kế cầu kỳ có mức giá không nhỏ (từ 1 triệu đến 6 triệu đồng/vé). Cánh báo chí còn được dặn dò rất cẩn thận, phải có mặt trước 19h30' để lấy vé tác nghiệp, vì chương trình đúng giờ.

Tuy nhiên, đến 20h40' chương trình mới bắt đầu, có nghĩa là đêm diễn muộn 40 phút so với thông báo. Đã có không ít khán giả khó chịu vì sự chậm, muộn của chương trình. Anh Nguyễn Hữu Thắng, một khán giả bày tỏ: “Tôi đến trước giờ diễn 15 phút, nhưng phải chờ rất lâu đêm nhạc mới bắt đầu. Đi thư giãn, giải trí cuối tuần mà phải chịu sự bực bội không đáng có”.

Không riêng với liveshow của ca sĩ Lệ Quyên, hiện tượng này đang diễn ra phổ biến trong rất nhiều chương trình biểu diễn tại nhiều sân khấu, nhà hát.

Ca sĩ Tùng Dương thừa nhận, rất nhiều đêm nhạc của anh bắt đầu muộn hơn 20-30 phút so với thông báo. Theo lý giải của ca sĩ Tùng Dương, có nhiều lý do khiến chương trình bắt đầu muộn, mà một trong những nguyên nhân chính là do khán giả không chịu ổn định chỗ ngồi, dù ban tổ chức đã phát loa thông báo.

“Không ít đêm diễn, đến 20h mà khán phòng vẫn thưa thớt khán giả. Nhiều người vì mải chụp ảnh, trò chuyện ngoài hành lang không vào chỗ ngồi nên đơn vị tổ chức khó bắt đầu. Những người vào muộn, gây ồn ào làm ảnh hưởng rất lớn đến những người đúng giờ và ban tổ chức”, nam ca sĩ cho biết.

Một tiết mục biểu diễn.

Về vấn đề này, bà Mỹ Trang, Công ty TNHH Quảng cáo và Giải trí Mỹ Thanh, đơn vị tổ chức và duy trì chuỗi chương trình âm nhạc In the spotlight 10 năm nay cũng thừa nhận, việc ổn định trật tự đầu giờ diễn luôn rất khó khăn. Khán giả chưa có thói quen vào rạp hát đúng giờ, hay “cao su” thời gian khiến cho nhiều đêm diễn bị ảnh hưởng, bắt đầu muộn và kết thúc muộn hơn so với dự kiến. 

Trong buổi giới thiệu chương trình hài Tết chào xuân Canh Tý 2020, nghệ sĩ Tự Long, Xuân Bắc cho rằng, một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng thưởng thức nghệ thuật là khán giả hay dùng điện thoại để quay hình, chụp ảnh, livestream dù nhà tổ chức đã khuyến cáo.

“Việc làm này không chỉ vi phạm bản quyền mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh. Chúng tôi nhiều lần nhờ bảo vệ nhắc nhở, nhưng vẫn khó thực hiện triệt để”, nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết.

Để một chương trình nghệ thuật chất lượng, rất cần đến sự nghiêm túc của cả đơn vị tổ chức lẫn khán giả. Điều tưởng đơn giản ấy vẫn rất khó thực hiện, vì sự “dễ tính” của cả hai phía.

Theo Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hoá- Thể thao Hà Nội Nguyễn Văn Trực, các đơn vị tổ chức cần có thái độ cương quyết hơn trong việc bảo đảm chương trình diễn ra đúng kế hoạch. Các nhà hát cần tuân thủ đúng quy định về giờ đón khán giả. Khán giả đến muộn sau khung giờ quy định có thể sẽ phải chấp nhận quay về. Nếu đơn vị tổ chức để khán giả chờ lâu, mà không có bất cứ lời giải thích hay xin lỗi, khán giả có quyền tỏ thái độ, thậm chí tẩy chay.

“Thưởng thức nghệ thuật không đơn giản là giải trí, mà còn cần đến văn hoá. Các đơn vị tổ chức và khán giả cần có ứng xử đúng đắn khi sản xuất, thưởng thức nghệ thuật. Đó cũng là cách tôn trọng mình và tôn trọng nghệ thuật”, ông Trực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tôn trọng nghệ thuật!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.