Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng phải nhập viện vì mắc sởi. Không ít trường hợp bố mẹ lây bệnh cho con cái.
Bệnh nhân sởi người lớn tràn ra cả hành lang tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư |
Người lớn mắc sởi gia tăng
Tháng trước, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận ca sởi chùm cả ba mẹ con đến từ huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Người mẹ nhiễm sởi trước, rồi lây sởi sang hai cậu con trai V.G.K (25 tháng tuổi) và V.G.B (7 tháng tuổi). Nhưng do tình trạng hai bé V.G.K và V.G.B trở nặng và biến chứng phổi, nên hai bé đã được chuyển cấp cứu sang Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để thở máy. Tuy nhiên, dù được điều trị tích cực suốt một tháng, vừa rồi, bé trai lớn V.G.K đã tử vong, còn bé V.G.B vẫn trong tình trạng nguy kịch đang tiếp tục được điều trị.
|
Một trường hợp khác là bé N.H.H (4 tháng tuổi) hiện đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng lây nhiễm sởi từ mẹ. Dù khi biết mình nhiễm sởi, mẹ bé N.H.H đã chủ động cách ly, nhưng bé H. vẫn mắc và phát bệnh sau mẹ khoảng một tuần. May mắn, dù bị biến chứng vào phổi, nhưng sau gần 20 ngày tích cực điều trị, bé H. đã trên đà hồi phục sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, nếu như số bệnh nhi sởi bắt đầu có dấu hiệu giảm nhẹ thì số bệnh nhân sởi là người lớn lại đang có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, ngày 17/4, điều trị cho khoảng hơn 240 bệnh nhân sởi và sốt phát ban sởi người lớn thì đến ngày 23/4, con số này đã lên tới gần 400, trong đó khoảng 2/3 bệnh nhân người lớn này đến từ Hà Nội.
“Hiện Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư đã ghi nhận 31 ca sởi nặng ở người lớn, có biến chứng, trong đó có 28 trường hợp sởi người lớn có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp và ba trường hợp sởi người lớn biến chứng viêm não” - bác sỹ Kính cho biết.
Nguy hiểm sởi biến chứng viêm não
|
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, ở người lớn, cơ chế gây bệnh không khác trẻ em, cũng lây virus sởi qua tiếp xúc với người bệnh, người mang mầm bệnh. Bệnh nhân sởi là người lớn cũng có những biểu hiện viêm long đường hô hấp rất mạnh như sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, sốt và phát ban (sau sốt khoảng 3 - 4 ngày), nốt ban cũng xuất hiện từ đầu, mặt, sau gáy rồi lan xuống ngực, bụng, tay chân. Và biến chứng sởi đối với người lớn cũng rất nguy hiểm, trong khi virus sởi tấn công vào phổi bệnh nhân nhi thì bệnh nhân sởi người lớn, thường gây viêm não, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp, gây nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Nếu phụ nữ mắc sởi khi đang có thai thì nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng đến thai nhi rất cao. Virus sởi có thể gây sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật.
Theo các chuyên gia y tế, người lớn mắc sởi do nhiều nguyên nhân, có thể do chưa từng mắc lúc nhỏ, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm phòng từ quá lâu, trong khi có những chủng sởi mới xuất hiện. Bên cạnh đó, môi trường thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thận lợi cho nhiều mầm bệnh phát triển trong đó có virut sởi. Vì vậy, giải pháp phòng ngừa bệnh sởi ở người lớn là giữ gìn vệ sinh thân thể, nhà cửa, đeo khẩu trang ở nơi đông người, tăng cường dinh dưỡng và chủ động tiêm vaccine sởi. Theo ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, mọi đối tượng chưa có miễn dịch (chưa tiêm phòng sởi hoặc chưa từng bị mắc sởi) có điều kiện nên đi tiêm vaccine phòng bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.