(HNMCT) - Với những quyết sách chính xác, phù hợp, sát với diễn biến từng thời điểm của Trung ương và Thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng cũng như sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tỉnh, thành phố bạn, có thể nói dịch Covid-19 ở Hà Nội đang được kiểm soát khá tốt.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, dù kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (GRDP quý III ước giảm 7,02%) nhưng chỉ tính riêng trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, Thủ đô đã san sẻ với thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo; Bình Dương 1.000 tấn gạo; 18 tỉnh, thành phố phía Nam khác mỗi địa phương 3 tỷ đồng...
Kiểm soát dịch đến đâu, Thành phố lập tức từng bước "mở cửa" trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội đến đó trên quan điểm “bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng người dân là trên hết, trước hết”. Sẽ không quá nếu nói chính quyền thành phố còn mong muốn "mở cửa" để các hoạt động kinh tế - xã hội được trở lại trạng thái bình thường hơn ai hết. Bởi có như vậy kinh tế Thủ đô mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ trở lại, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố mà còn có điều kiện hỗ trợ, tiếp lực cho các tỉnh, thành phố khác kiểm soát đại dịch, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Một ổ dịch vừa được phát hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, ngay giữa trung tâm Thủ đô. Đó là lý do khi Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến về việc mở lại đường bay nội địa đi - đến Hà Nội, UBND thành phố đã đề nghị làm rõ tiêu chí với hành khách đi máy bay thuộc các khu vực có mức độ dịch Covid-19 khác nhau. Bên cạnh đó, cần làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa - đón hành khách nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thành phố cũng đề nghị làm rõ cơ chế phối hợp với cơ quan y tế các địa phương để bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong kiểm soát, quản lý hành khách, đặc biệt là hành khách trong diện phải cách ly... Đó là sự cẩn trọng cần thiết, bởi "mở cửa” nhưng phải an toàn, thế nên cần tính toán kỹ lưỡng mọi phương án, biện pháp.
Mặc dù vậy, trong khi cả hệ thống chính trị của Thành phố cũng như đa số người dân nỗ lực, quyết liệt chống dịch, cân nhắc kỹ càng, cẩn trọng các phương án hành động - tất cả vì sự an toàn của cộng đồng và phát triển bền vững - thì vẫn có những đơn vị, cá nhân có những hành động thiếu an toàn, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Đơn cử như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ). Với lỗi này, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt 14 triệu đồng.
Hay như cuối tuần vừa qua, rất nhiều người đã tổ chức cắm trại, vui chơi, ăn uống tại khu vực bãi giữa sông Hồng (tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy), trong số đó có những người thậm chí không đeo khẩu trang, không bảo đảm quy định giãn cách “5K”. Một số người còn lên mạng xã hội rủ nhau thi đấu bóng đá trên sân cỏ nhân tạo...
Những hành động chủ quan, lơ là như vậy đều tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho cộng đồng. Vì vậy, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, sự cẩn trọng là rất cần thiết và điều đó phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Cách chống dịch tốt nhất là tuân thủ quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng, trước hết vì sự an toàn của bản thân, như người xưa thường nói là "Cẩn tắc vô ưu"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.