Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 2: Zalo, Facebook thành công cụ, đảng viên quét mã QR

Nhóm phóng viên 29/10/2023 22:37

Các chuyên gia cho rằng,“chuyển đổi số” quan trọng nhất và trước hết là thay đổi về nhận thức.

cover-2.jpg

Các chuyên gia cho rằng, “chuyển đổi số” quan trọng nhất và trước hết là thay đổi về nhận thức. Một khi cấp ủy tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có tư duy chuyển đổi số thì bất kỳ phương tiện công nghệ tiến bộ, hiện đại nào cũng có thể được vận dụng phù hợp để trở thành đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng.

line-tit.jpg

CÀNG GẦN DÂN HƠN

Trở lại với câu chuyện ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội, cũng là một trong những nơi sớm nhất ứng dụng Zalo, Facebook vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trao đổi công việc trong chi bộ, tổ dân phố.

img_3765.jpeg
Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Minh Trang sử dụng thành thạo các mạng xã hội để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ.

Sinh sống tại phố Trúc Bạch - khu vực cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội thời điểm tháng 3-2020, bà Nguyễn Thị Minh Trang, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ, thông qua việc áp dụng phương thức thông tin như Zalo, Zoom, Chi bộ vẫn duy trì được nền nếp sinh hoạt Đảng; liên lạc, triển khai phổ biến, quán triệt được tất cả chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, từ đó thực hiện tốt các nhiệm vụ trong suốt thời gian 21 ngày cách ly.

b2-ba-trang.jpg

Ban đầu cấp ủy cũng rất băn khoăn, không biết làm thế nào để duy trì hoạt động của Chi bộ, nhất là chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của tổ dân phố khi bản thân tôi là Bí thư Chi bộ lại nằm trong khu vực cách ly. Rất nhanh sau đó, thông qua Zalo, Chi bộ đã triển khai ngay các chỉ đạo, phân công, phân nhiệm cụ thể. Từ đó, đảng viên trong Chi bộ dần yên tâm trở lại.

Bà NGUYỄN THỊ MINH TRANG

Từ giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, đến nay, việc lập các nhóm trên Zalo để trao đổi công việc trong chi bộ đã phổ biến trên toàn thành phố, hầu như các cấp ủy cơ sở, các chi bộ cũng vận dụng cách này.

Tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, lãnh đạo phường lập một số nhóm Zalo chuyên ngành để thông tin nhanh, chỉ đạo kịp thời và nắm bắt phản ánh từ cơ sở như nhóm Zalo “Đảng ủy phường Phúc Xá”; “22 Tổ dân phố”; “Công tác 197”; mới nhất là nhóm “Công tác phòng cháy, chữa cháy”...

Không chỉ ở cơ sở, đối với cấp trên cơ sở, ứng dụng mạng xã hội vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng đem lại hiệu quả cao. Phó Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ứng dụng Zalo vào công tác lãnh đạo cũng chính là một trong những nét đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy. Hiện nay, huyện thành lập một số nhóm Zalo như nhóm các bí thư đảng ủy xã, nhóm các chủ tịch xã, nhóm các bí thư chi bộ, nhóm các cộng tác viên dư luận xã hội... Tất cả các nhóm đều có cả các đồng chí Thường trực Huyện ủy tham gia, để kịp thời nắm bắt thông tin, ý kiến và tương tác phản hồi chỉ đạo trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

“Nhóm Zalo bí thư chi bộ và cộng tác viên dư luận xã hội mà chúng tôi thành lập rất hiệu quả, ví dụ như người dân phản ánh một trận mưa gây ngập chỗ nào, các đồng chí chụp ảnh gửi lên nhóm ngay; có những lúc đội đào đường nước lên xong lấp trả lại mặt đường kém chất lượng, gây sụt, lún, người dân phản ánh lên, các đồng chí cũng đưa vào nhóm. Thấy vấn đề, chúng tôi chỉ đạo ngay, yêu cầu các cơ quan vào cuộc, thì ngày hôm sau xử lý xong, cán bộ lại gửi ảnh phản ánh kết quả lên nhóm. Cho nên, đây là cách giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Cán bộ huyện Mê Linh thực hành sử dụng phương tiện tại hội nghị tập huấn về chuyển đổi số được huyện tổ chức.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, cấp ủy các địa phương đều đã chỉ đạo xây dựng các trang fanpage trên mạng xã hội Facebook để kết nối với cán bộ và nhân dân, vừa phục vụ công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa kịp thời nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, dư luận xã hội.

Là người rất quan tâm đến việc ứng dụng mạng xã hội để làm công tác tư tưởng tuyên giáo, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm cho biết, xác định các mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền, định hướng, Đảng ủy phường đã duy trì các kênh Zalo, Facebook để thường xuyên thông tin, cập nhật tình hình của phường trên từng lĩnh vực. Trang fanpage chính thống của phường có tên “Phường Phúc Xá” do các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường làm quản trị viên. Trang “Tôi yêu Phúc Xá” do lực lượng Đoàn thanh niên và Công an phường làm quản trị viên. Ngoài ra, từng đơn vị theo ngành dọc cũng có fanpage của mình, như: “Tuổi trẻ Phúc Xá”; “Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá”...

img_3762.jpeg

Các trang fanpage chính thống của phường thực sự đã đem chúng tôi đến gần với người dân và ngược lại cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin để hiểu và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) TRẦN THỊ TỐ TÂM

-

line-tit.jpg

THAY ĐỔI VỀ CHẤT

Có thể nói, nhờ thay đổi nhận thức, tư duy theo tinh thần “chuyển đổi số”, nhiều cấp ủy tổ chức Đảng đã tạo ra thay đổi về chất cho một số lĩnh vực công tác Đảng, tiêu biểu là công tác tuyên giáo.

Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho Thủ đô phát triển. Để thực hiện thành công nghị quyết quan trọng này, điều kiện tiên quyết phải phổ biến rộng rãi để cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô cùng nắm bắt, thấu hiểu và đồng thuận. Đứng trước nhiệm vụ này, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có sáng kiến lần đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Sáng kiến này đã đem lại kết quả vượt cả dự kiến với hơn 1 triệu lượt người tham gia.

hnm.1cdn.vn-2022-09-15-_hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2022-09-15-_thi02.jpg
Các đội tham gia thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (tháng 9-2022).

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhìn nhận: “Sự thành công của hội thi là đã lan tỏa sâu rộng các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”, góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống”.

Hiện nay, hầu hết các hội nghị do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, các đại biểu không còn phải khệ nệ cầm cả tập tài liệu in như trước kia, thay vào đó, chỉ cần dùng “smartphone” (điện thoại thông minh) quét mã QR để “download” (tải) tài liệu về máy và sử dụng. Việc in ấn vì thế cũng được cắt giảm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.

Tinh thần “chuyển đổi số” còn được đông đảo cấp ủy tổ chức Đảng, các ban tuyên giáo cấp ủy địa phương vận dụng đổi mới công tác. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong định hướng nắm bắt dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ từ lâu đã đi đầu trong phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng theo hình thức quét mã QR. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết, trước đây, hằng tháng, quận phải in hơn 4.000 bản tin để gửi tới các chi bộ, nhưng nhờ ứng dụng quét mã QR, nay số bản in giảm chỉ còn khoảng 1.000 bản, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí.

Ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm” tích hợp hình ảnh, âm thanh, giúp đảng viên có thể đọc, nghe podcast.

Là đơn vị tiên phong ứng dụng “chuyển đổi số” vào công tác tuyên truyền, đầu năm nay, Ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm đã cho ra mắt ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm”.

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Bắc Từ Liêm Dương Ngọc Thanh chia sẻ, ấn phẩm được phát hành bằng đường link và mã QR được cung cấp cho các chi bộ, cán bộ, đảng viên qua các nhóm Zalo và trên Cổng thông tin điện tử của quận. Cán bộ, đảng viên có thể mở và sử dụng ấn phẩm bằng tất cả phương tiện có thể truy cập internet. Ấn phẩm này không chỉ cung cấp bản in dạng điện tử có chức năng lật trang, mà còn đính kèm các video clip, hình ảnh liên quan và cả phần “audio” (tiếng) để tạo thuận lợi cho đảng viên cao niên tiếp nhận nội dung.

gio-trang-2.png

Đối với đảng viên cao tuổi như chúng tôi, ấn phẩm này rất có ích, giúp chúng tôi thuận tiện trong tiếp nhận thông tin. Sử dụng ấn phẩm này, với 3 thành phần (bản in, video clip, âm thanh), các buổi sinh hoạt chi bộ trở nên sinh động, gần gũi, thiết thực và tạo sức lan tỏa hơn.

Ông NGUYỄN MINH TÂM, đảng viên Chi bộ 7, Đảng bộ phường Đức Thắng, Đảng bộ quận Bắc Từ Liêm.

Mặc dù còn có thể cải tiến như phát hành thường xuyên hơn, thay vì hằng quý, ấn phẩm “Thông tin tuyên truyền điện tử quận Bắc Từ Liêm” cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám “chuyển đổi số” của cán bộ tuyên giáo. Đây là ví dụ cụ thể, thiết thực gợi mở cách làm mới, hướng đi mới cho công tác tuyên giáo nói riêng và công tác Đảng nói chung trong kỷ nguyên số.

line-end(1).jpg

⇩ XEM TIẾP ⇩

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Zalo, Facebook thành công cụ, đảng viên quét mã QR

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.