(HNM) - Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Đây là công việc phức tạp, khó khăn, nhất là ở các địa bàn đông dân cư như Hà Nội.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU ngày 15-9-2016. Từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, nhìn chung công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ chế chính sách linh hoạt, sáng tạo đã được áp dụng kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đúng tiến độ.
Thế nhưng, thực tế cho thấy tiến độ giải phóng mặt bằng ở không ít dự án, công trình trọng điểm của thành phố còn chậm so với kế hoạch; thậm chí có dự án “án binh bất động” gần chục năm do “nút thắt” giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn do cơ chế, chính sách về đền bù sau giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Giá đền bù thiếu nhất quán và không phù hợp; khu tái định cư không bằng nơi ở cũ... Việc chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư còn thiếu, không kịp thời; vị trí tái định cư chưa hấp dẫn và thuận lợi cho người dân. Sự chỉ đạo thiếu quyết liệt và công tác vận động, tuyên truyền của một số chính quyền địa phương chưa tích cực cũng khiến việc giải phóng mặt bằng vướng mắc.
Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án (trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm) với diện tích thu hồi gần 6.000ha; số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân. Trong 11 tháng năm 2017, trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố có 1.727 dự án triển khai thu hồi đất, với diện tích 7.104ha, liên quan đến 83.045 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức…, trong đó nhiều dự án trọng điểm cần tập trung thực hiện.
Đây quả là một khối lượng công việc không hề nhỏ!
Để khắc phục những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng, Nghị quyết số 08/NQ-TU nhấn mạnh, việc triển khai các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, dự án công trình theo tuyến, cần xem xét tách thành tiểu dự án và phê duyệt để giải phóng mặt bằng trước khi thi công. Đồng thời, cần có cơ chế tài chính linh hoạt khi đấu giá quyền sử dụng đất, để sử dụng một phần tiền này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất đấu giá; xem xét tạo cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới theo phương thức tự nguyện; khuyến khích và đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng nhà tái định cư theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu tái định cư.
Để làm được những điều đó, việc triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TU một cách quyết liệt, đồng bộ ở các cấp chính quyền thành phố là hết sức quan trọng. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải trực tiếp chỉ đạo toàn diện việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; kiện toàn bộ máy Trung tâm Phát triển quỹ đất theo Quyết định số 3440/QĐ-UBND ngày 5-6-2017 của UBND thành phố. Một nhiệm vụ nữa rất quan trọng là tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương thu hồi đất của cấp thẩm quyền.
Có như vậy, những "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng mới sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án của thành phố triển khai đúng tiến độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.