Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần phạt nặng hơn

Thủy Tiên| 17/04/2011 06:49

(HNM) - "Cải tạo, phát triển hạ tầng giao thông là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là giáo dục ý thức tham gia giao thông của công dân", đó là thông điệp tại Hội thảo "Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam" do Bộ GTVT, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 15-4 tại Hà Nội đưa ra.

Ngày 5-4-2011, Công an Hà Nội đã sơ kết thực hiện Kế hoạch số 16/KH ngày 10-2-2011 về tăng cường xử lý người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Kết quả thật đáng buồn, chỉ từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 đã có 73.901 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm, lực lượng chức năng phạt tiền lên đến 11,5 tỷ đồng, tạm giữ 5.886 mô tô, xe máy và 5.013 bộ giấy tờ. Vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra hằng ngày, ngoài không mũ bảo hiểm, không ít người ngang nhiên vượt đèn đỏ ngay trước mặt cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở các nút giao thông.

Hà Nội hiện có khá nhiều cầu vượt, nhưng hai chiếc cầu vượt trên đường Trần Khát Chân và Đại Cồ Việt rất hiếm người sang đường trên cây cầu hàng tỷ đồng này. Thậm chí cầu vượt trước Học viện Ngân hàng (đường Chùa Bộc) rất ít thấy sinh viên đi qua, họ vẫn thản nhiên dắt tay nhau đủng đỉnh sang đường. Hiện trạng khiến nhiều người trộm nghĩ: có lẽ cây cầu có mặt ở Tây Nguyên, nơi các xã qua suối bằng dây mới đúng.

Hầm cho người đi bộ qua ngã tư Kim Liên, Ngã Tư Sở cũng thưa thớt người sử dụng do thói quen tiện đâu đi đó của không ít khách bộ hành. Dù không nhiều, song dễ dàng bắt gặp các vi phạm "3 trong 1", "4 trong 1" thậm chí là "6 trong 1" (xe chưa đăng ký biển kiểm soát, chở 3 người, gọi điện thoại, vượt đèn đỏ, không mũ bảo hiểm và chạy tốc độ nhanh). Vi phạm Luật Giao thông không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã dẫn đến 13.713 vụ tai nạn trong năm 2010 làm chết 11.060 người, bị thương 10.306 người. Chưa hết, tai nạn còn làm thiệt hại tài sản cá nhân và xã hội, gây hoang mang dư luận.

Tiền phạt đã tăng, phương tiện bị thu giữ, song Cảnh sát giao thông Hà Nội cho rằng, mức phạt như hiện nay vẫn chưa đủ để răn đe. Trong dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội kỳ họp vừa rồi, cơ quan soạn thảo cũng đã đưa vào luật mức phạt cao hơn so với các tỉnh, thành khác. Điều đó là đúng bởi xét về mặt tự nhiên xem như dân trí ở nội thành Hà Nội cao hơn vùng nông thôn!

Tuyên truyền, giáo dục chấp hành Luật Giao thông là việc phải làm thường xuyên, song những bài học rút ra lâu nay cho thấy, phạt thật nặng sai phạm là cách giáo dục tốt nhất. Còn không, vi phạm vẫn tiếp diễn và tỷ lệ tử vong chắc chắn không giảm, bởi tới 70% số vụ tai nạn có nguyên nhân vi phạm luật...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần phạt nặng hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.