(HNMO) - Chiều 5-11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhiều đại biểu đồng tình với quy định về cơ sở đào tạo cảnh sát biển được quy định tại Điều 36. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. |
Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ năm. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có nhiều nội dung được chỉnh lý, hoàn thiện, giảm 7 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ năm.
Ngoài tập trung thảo luận về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSBVN, nhiều đại biểu nêu quan điểm về quy định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ CSBVN tại Điều 36 dự thảo Luật là "cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo của cảnh sát biển Việt Nam".
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, giáo dục đào tạo cán bộ, chiến sĩ CSBVN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, CSBVN được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hiện đại.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận). |
"Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ CSBVN đã được đào tạo tại Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển, nhưng nội dung, chương trình, quy mô và khả năng đào tạo của trung tâm còn hạn chế. Do đó, CSBVN chưa chủ động trong việc xây dựng nguồn nhân lực. Chất lượng đội ngũ cán bộ CSBVN thiếu đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là trình độ, kiến thức, kỹ năng thực thi pháp luật và bản lĩnh chính trị, ứng phó, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển và chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ... Vì vậy, để đảm bảo tốt nguồn lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ CSBVN tại Điều 36 của dự thảo Luật là rất cần thiết và phù hợp" - đại biểu Linh nêu.
Cùng bày tỏ sự đồng tình cao với quy định trên, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, Đảng, Nhà nước ta xác định ưu tiên nguồn lực phát triển CSBVN cả về phương tiện vũ khí và nguồn lực con người nhưng hiện nay cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan cảnh sát biển hầu hết đều được điều động từ các lực lượng khác trong quân đội và công an sang. Do vậy, chất lượng về cán bộ thiếu đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp, kiến thức kỹ năng, thực thi pháp luật, ứng phó, xử lý các tình huống quốc phòng và an ninh trên biển.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông). |
Trong khi đó, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, quy định trên cần được xem xét lại vì chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và không thống nhất với quy định khác trong dự thảo Luật.
Đại biểu Tín phân tích, quy định như Điều 36 của dự thảo Luật sẽ dẫn tới cách hiểu, CSBVN phải có cơ sở đào tạo bồi dưỡng riêng. Thực tế hiện nay, lực lượng này đã có cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường đào tạo của Bộ Quốc phòng. Nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho Chính phủ khi tiến hành sắp xếp tinh giản biên chế trong thời gian tới.
Mặt khác, quy định như trên cũng chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội quy định không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực của tổ chức bộ máy nhà nước. Trường hợp cần thiết phải có quy trình, thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét quyết định.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). |
"Tôi e rằng trong trường hợp này sẽ phình thêm biên chế... Bây giờ thành lập thêm một cơ sở đào tạo CSBVN chuyên nghiệp như thế này thì nó sẽ đẻ ra một bộ máy" - đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ.
Trong phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu. Luật sẽ chỉnh sửa theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo lực lượng cảnh sát biển đảm bảo nguyên tắc tiêu chí và đạt yêu cầu cơ bản nhất, còn có trường hay không và trường như thế nào thì giao cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.