Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ''nhạc trưởng'' cho liên kết phát triển vùng

Phương Nam - An Tôn| 20/07/2022 07:13

(HNM) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển nhiều mặt của vùng Đông Nam Bộ trong 5 năm qua đang chậm lại so với trước. Nguyên nhân chính là do liên kết vùng chưa bền chặt, hiệu quả. Để khắc phục hạn chế này, cần có “nhạc trưởng” trong liên kết để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ phát triển.

Các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ đang được kỳ vọng là mô hình thử nghiệm hiệu quả cho cơ chế liên kết vùng trong thời gian tới.

Liên kết vùng chưa rõ nét

Đến tháng 7-2022, cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai vẫn đang bàn thảo để thống nhất phương án hướng tuyến cho cầu Cát Lái. Có 5 phương án xây dựng cây cầu huyết mạch có tầm quan trọng cho cả vùng Đông Nam Bộ này được tính đến nhưng khó đi đến thống nhất, bởi phương án này phù hợp với Đồng Nai, nhưng lại không hợp lý với thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Trước đó, cuối năm 2021, tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ xem xét chủ trương xây cầu Mã Đà nối với tỉnh Đồng Nai để thông thương, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên kết vùng. Tuy nhiên, hướng tuyến đề xuất này khiến đường nối cầu Mã Đà với quốc lộ 13C sẽ xuyên qua 40km vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, phương án này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học; phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và điều kiện sống của động, thực vật trong khu vực nên tỉnh không đồng thuận.

Trong khi đó, đầu năm 2021, UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ cho phép địa phương phát triển khu kinh tế rộng 32.000ha - lớn nhất Đông Nam Bộ, bao gồm các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển quốc tế. Điểm vướng là vị trí dự án này nằm gần các cảng biển lớn nhất cả nước (Cảng Cát Lái ở thành phố Hồ Chí Minh; Cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); nằm sát nơi thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải cùng nhà đầu tư nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ... nên đề xuất không khả thi.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, quy hoạch theo từng địa phương đang tạo nên lực cản thay vì lực đẩy cho phát triển vùng, bởi dẫn đến xung đột, cạnh tranh, thiếu hỗ trợ nhau phát triển. Đây là một trong những lý do dẫn đến giai đoạn 2011-2015, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 6,87% nhưng đến giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 5,5% (mục tiêu 9-10%)...

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Một vùng trọng điểm, đi đầu về năng lực cạnh tranh quốc tế của cả nước lại sụt giảm ở nhiều chỉ số quan trọng trong một thời gian dài là điều đáng suy nghĩ”.

Rất cần có “nhạc trưởng” 

Đông Nam Bộ nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tăng cường liên kết vùng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24-11-2015 thành lập ban chỉ đạo, hội đồng vùng giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy chức năng bộ máy điều phối vùng vẫn bị hạn chế. Đơn cử, ban chỉ đạo, hội đồng vùng chỉ là cơ quan tham mưu, không phải là cấp hành chính, nên không có quyền quyết đáp; thành viên tổ giúp việc đến từ những địa phương khác nhau mà không có lãnh đạo chung, nên khó điều phối... Điều đó cho thấy rất cần có "nhạc trưởng" để gắn kết, thúc đẩy vùng phát triển.

Cho rằng vùng Đông Nam Bộ đang thiếu quy hoạch chung, mạnh ai nấy làm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, những tồn tại này dẫn đến việc toàn vùng vẫn còn dư địa phát triển, nhưng chưa thể khai thác hết. Do đó, cần hình thành tứ giác kinh tế gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thiết chế ban chỉ đạo, hội đồng vùng nên là cơ quan thuộc Chính phủ và có người đứng đầu đủ thẩm quyền điều phối, thay vì tập hợp “ngang hàng” nhân sự các địa phương như hiện tại.

Nhấn mạnh việc cần có quy hoạch vùng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, điều này sẽ giúp các địa phương thống nhất mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quy mô kinh tế, phát huy thế mạnh, củng cố an sinh và chung mục tiêu để vùng Đông Nam Bộ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội, trung tâm tài chính, logistics, đầu mối giao thương quốc tế lớn nhất cả nước...

Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đang được hy vọng trở thành một trong những thử nghiệm liên kết vùng hiệu quả. Hiện, 4 địa phương có tuyến đường đi qua gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai đã ký quy chế chung thực hiện dự án có vai trò quan trọng cho toàn vùng, với “nhạc trưởng” là thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, các địa phương đã thống nhất khung tiêu chuẩn áp dụng cho toàn dự án; thống nhất về đơn giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh; thống nhất để thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối làm việc với Trung ương giải quyết những vấn đề phát sinh khi triển khai dự án. “Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp thực hiện các công việc và đề xuất cơ chế để khởi công dự án vào tháng 6-2023, sớm 6 tháng so với kế hoạch trước đó”, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần ''nhạc trưởng'' cho liên kết phát triển vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.