Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nâng mức hình phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực ATTP để tăng tính răn đe

Bảo Hân| 05/06/2017 17:34

(HNMO) - Ngày 5-6, sau báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016, các đại biểu dành một ngày thảo luận về vấn đề này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).


Đại biểu Quốc hội  kêu gọi lương tri của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Nhiều ý kiến ĐB cho rằng, đã đến lúc cần coi việc sử dụng chất cấm, độc hại trong kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thực phẩm là một tội ác, hành vi đầu độc con người, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến giống nòi. Trên cơ sở đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật, trong đó có luật hình sự theo hướng xử lý thật nghiêm, nâng mức hình phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe. 

Cụ thể, phát biểu trong sáng 5-6, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ sự đồng tình với những nhận định, đánh giá và đề xuất của các giải pháp mà đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo của UB TVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đại biểu cho rằng như vậy là khá đủ. 


"Tuy nhiên, dường như vẫn còn một điều gì đó cần lên tiếng. Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí, chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ.

Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm, nhưng cho đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có được kết quả như chúng ta mong đợi, một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật" - ĐB Phạm Trọng Nhân nêu.

Cũng theo ĐB Nhân, trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí, sự tỉnh táo và chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn, đủ mạnh để có thể chuyển hóa tinh thần nếu chúng ta biết khơi nguồn. Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác. Thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác và cũng đáng bị lên án.

Tại diễn đàn QH, ĐB tha thiết kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái trong an toàn thực phẩm.

Đồng tình với những quan điểm trên, chiều 5-6, ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) cho rằng, bên cạnh khẩu hiệu "Hãy là người tiêu dùng thông thái", cần phải song hành sự kêu gọi "Hãy là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lương tâm" nhằm nhắc nhở, cảnh báo để kêu gọi người sản xuất có trách nhiệm, lương tâm đối với cộng đồng.


Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).


ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, hướng dẫn cách sử dụng, chế biến thực phẩm và những thông tin đúng, không thổi phồng về an toàn thực phẩm thời gian qua chúng ta có làm nhưng làm chưa ngang tầm, chưa tích cực, chưa thường xuyên, chưa phong phú về hình thức, chưa hấp dẫn về nội dung và chưa đúng và phù hợp với từng đối tượng.

"Phải xác định đây là cuộc chiến cam go giữa cái đúng và cái sai, lòng trung thực với lòng tham, giữa cái thiện và cái ác và chỉ thành công khi cả xã hội vào cuộc" - ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.

Xử phạt còn nhẹ, không đủ sức răn đe

"Đăng đàn" làm rõ một số ý kiến các ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các ĐB và cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, tìm ra những giải pháp có tính chất đột phá, sáng tạo và quyết liệt để thực hiện các kiến nghị này.

Bộ trưởng nêu, theo đánh giá từ quốc tế, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta khá đồng bộ, đầy đủ, vấn đề là thực thi, kiểm tra và xử phạt.

"Tại sao văn bản khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc và vi phạm ATTP  càng ngày càng xảy ra? - Đó là thực tiễn do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân, do thanh kiểm tra nhiều thì phát hiện nhiều hơn... Thêm nữa là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe người dân, chưa nghiêm thực hiện đúng pháp luật, nên mới có chuyện 2 luống rau, 2 chuồng lợn, chuồng gà, bơm chất vào tôm, rượu chứa methanol; thịt bị hủy rồi vẫn dùng sản xuất chà bông (ruốc thịt)...." - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu câu hỏi và đưa ra trả lời.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.


Trước thực trạng người sản xuất, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà quên đi tính mạng, sức khoẻ người dân, cố tình làm trái pháp luật, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý với nhiều ý kiến đóng góp của các ĐB là phải kêu gọi lương tri của người sản xuất, doanh nghiệp...

Quản lý nhà nước có "chiếc gậy" rất tốt là xử lý vi phạm và xử phạt nhưng hiện nay xử lý còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Quy định mức phạt trung bình chỉ khoảng 200.000 đồng. Vụ xử phạt nước ngọt URC gần 6 tỷ đồng vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có thể coi đã trở thành "lịch sử" của ngành.

Cuối giờ chiều nay, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tổng kết, trong phiên giám sát tối cao của QH, có 31 ĐB phát biểu, 15 ĐB tranh luận về nội dung quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát biểu giải trình một số vấn đề có liên quan.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, sâu sắc, mang tính tham luận, đánh giá sự cố gắng của đoàn giám sát; đồng thời bày tỏ nhất trí với báo cáo của  UBTVQH, cho rằng báo cáo này đã  phản ánh toàn diện về kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc  trong ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về ATTP  giai đoạn 2011-2016.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp, đề xuất của các ĐB, UBTVQH  sẽ chỉ đạo đoàn giám sát và các cơ quan liên quan của Chính phủ tiếp thu  để hoàn thành Nghị quyết trình QH thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng mức hình phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực ATTP để tăng tính răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.