(HNM) - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc về hàng nông sản nhưng con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu chúng là hàng chế biến chứ không phải được xuất dưới dạng thô như hiện nay. Để thực hiện được điều đó, không có cách nào khác là phải đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch (CNSTH).
Thua thiệt không đáng có
Theo Bộ NN&PTNT, hằng năm, ở nước ta tỷ lệ hao hụt nông sản dạng hạt khoảng 16% và dạng củ, quả là hơn 22% tổng sản lượng. Đây là mức hao hụt khá cao so với mức bình quân 10% của các nước trong khu vực. Trong khi đó, lượng nông sản sản xuất ra không ngừng tăng và hiện đạt gần 40 triệu tấn lúa, 4 triệu tấn rau xanh, hơn 3,5 triệu tấn hoa quả, 5 triệu tấn hoa màu quy thóc... Thời gian qua, công nghiệp chế biến nước ta phần lớn hướng vào xuất khẩu, tập trung vào hàng nông sản như gạo, chè, cà phê, mía đường... Song, thách thức không nhỏ là các mặt hàng này xuất khẩu dưới dạng thô là chính.
Vải thiều hiện mới chỉ xuất khẩu quả tươi, theo đường tiểu ngạch.
Dù ngành chế biến nông sản được đầu tư, trang bị mới một số thiết bị hiện đại nhưng nhìn chung, một lượng lớn hàng xuất khẩu đã qua chế biến chưa đạt tiêu chuẩn thị trường thế giới. Các sản phẩm đó hoặc không đạt tiêu chuẩn, hoặc bị khách hàng ép giá, mua rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại của nước khác. Rõ ràng, chúng ta đã và đang chịu thua thiệt không đáng có và hệ quả là ở lĩnh vực này, Việt Nam mất đi hàng trăm triệu USD mỗi năm. Điển hình là gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta thường vẫn được bán với giá rẻ hơn so với hàng cùng phẩm cấp của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan...
Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất nằm ở khâu bảo quản sau thu hoạch. Theo thống kê, sau 3 tháng bảo quản, tỷ lệ hao hụt khoai tây lên đến 40% tổng sản lượng. Đối với hạt thóc, mức hao hụt do bảo quản trong dân hiện vào khoảng 10% trong khi ở các kho của Nhà nước chỉ là 2-3%. Quy trình bảo quản yếu còn khiến chất lượng nông sản giảm nghiêm trọng. Với loại hàng khác như cam, quýt, nhãn, vải... thì tỷ lệ thiệt hại còn lớn hơn, vì ngoài việc bảo quản kho lạnh rất tốn kém, nông dân chưa có cách nào khác để giảm tốc độ chín, kéo dài độ tươi của nông sản. Vì thế, việc tiêu thụ chỉ tập trung trong một thời gian ngắn, dẫn tới nông sản bị giảm giá mạnh. "Được mùa, mất giá" là bài toán chưa có lời giải trong nhiều năm qua.
Cám cảnh "áo gấm đi đêm"
PGS-TS Nguyễn Kim Vũ, nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và CNSTH cho rằng, bảo quản nông sản được đánh giá là việc đơn giản, ít tốn kém, dễ áp dụng đại trà. Ngoài bảo quản, CNSTH còn bao gồm các khâu sơ chế, vận chuyển, chế biến và marketing.
Gần đây, đã có những mô hình công nghệ mà Viện Cơ điện nông nghiệp và CNSTH nghiên cứu, triển khai rất hiệu quả như: mô hình bảo quản khoai tây thương phẩm, mận tam hoa, cam sành, vải thiều... bảo đảm giữ được nguyên chất lượng và mẫu mã quả trong vài tháng. Có quy trình bảo vệ quả, người nông dân không sợ bị ép giá, có thể chủ động tiêu thụ và tránh được tình trạng quả thối trên cây. Hoặc mô hình cụm chế biến rau màu vụ Đông miền Bắc với quy mô 1.000kg sản phẩm/ngày, có khả năng chế biến đa dạng sản phẩm trên cùng dây chuyền thiết bị liên hợp, giải quyết đầu ra cho rau màu và tăng thu nhập cho nông dân.
Mặc dù hiệu quả kinh tế từ những mô hình trên là rất rõ nhưng CNSTH vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như thừa nhận của rất nhiều viện có nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhiều người đã ví thực trạng CNSTH ở Việt Nam với hình ảnh "áo gấm đi đêm". Tuy nhiên, hầu như những công trình nghiên cứu đều thực hiện theo đơn đặt hàng và chừng nào còn tiền đầu tư của Nhà nước hoặc tổ chức nào đó thì dự án vẫn còn hoạt động, nếu không lại rơi vào tình trạng "chết yểu". Đó là chưa kể đến việc lấn lướt của các công nghệ cùng loại của nước ngoài vốn đang cạnh tranh gay gắt với công nghệ Việt Nam. Nhiều nhà khoa học cho rằng, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ đối với công nghệ Việt Nam, có như vậy mới tạo cú hích đủ mạnh để CNSTH tạo đà đi lên.
Tiến tới một nền nông nghiệp hàng hóa là xu hướng tất yếu và trong quá trình đó, yếu tố công nghệ, để nâng cao giá trị nông sản, là không thể bỏ qua. Sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, chính sách, sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân và quyết tâm của các nhà khoa học sẽ tạo đà vững chắc thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.