Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một cách tiếp cận khách quan, công bằng

Dục Tú| 17/08/2015 05:52

(HNM) - Chúng ta đã phê phán bệnh hình thức. Chúng ta cũng thường bàn về bệnh thành tích, vốn có biểu hiện khá đa dạng trong đời sống. Căn bệnh ấy từng khiến ngành giáo dục đau đầu, đến mức phải phát động phong trào chống lại nó.



"Bệnh" còn có thể thấy trong đời sống văn hóa, chẳng hạn như trong một thời gian dài người ta đã nói về những danh hiệu như Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa… và "góc khuất" xung quanh chúng, đặc biệt là về cách bình xét danh hiệu.

Bệnh thành tích còn dễ thấy trong lĩnh vực thể thao, đặc biệt là trong mảng thể thao đỉnh cao, những kỳ cuộc thi đấu quốc tế quan trọng. Nó không chỉ thể hiện qua việc xác định mục tiêu, giải pháp tình thế nhằm đạt kết quả ngắn hạn mà quên đi mục tiêu dài hạn mang tính nền tảng, mà còn thể hiện qua thông tin liên quan đến lĩnh vực này. Gần đây nhất, chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua việc hình thành dư luận về thành tích thi đấu của vận động viên bơi lội nổi tiếng Nguyễn Thị Ánh Viên hay tập thể đội bóng Hoàng Anh Gia Lai cũng như cá nhân tuyển thủ trẻ Nguyễn Công Phượng.

Ít ngày vừa qua, thông tin về hành trình thi đấu của Nguyễn Thị Ánh Viên được rất nhiều người chờ đợi. Đa số thất vọng khi kình ngư này không lọt vào chung kết ở bất cứ nội dung nào mà cô thi đấu tại giải vô địch thế giới, dù rằng thành tích có sự thăng tiến đáng kể. Thông tin mạng thể hiện sự phấn khích khi Ánh Viên giành 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng tại Cúp thế giới diễn ra sau đó vài ngày dù chỉ số chuyên môn cho thấy vận động viên này đã bơi không tốt như khi thi đấu tại giải thế giới. Ở đây, quanh chuyện thắng - thua của Ánh Viên, rõ ràng là nhiều người đã "mê tít" những tấm huy chương "có giá trị vừa phải" mà quên mục tiêu dài hạn dành cho cô gái vàng. Như giới chuyên môn sau đó đã bình luận, không cần phải tạo thêm sức ép tâm lý cho cô gái trẻ người Cần Thơ bằng cách đặt ra mục tiêu huy chương, mà nên cổ vũ để Ánh Viên tập trung tập luyện - thi đấu theo kế hoạch bài bản, khoa học nhằm cải thiện thành tích chuyên môn, hướng tới mục tiêu lớn đúng nghĩa.

Trường hợp của CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và cá nhân tuyển thủ Nguyễn Công Phượng cũng cho thấy sức ép thành tích, sự đánh giá của dư luận có tác động lớn thế nào đến sự trưởng thành về mặt chuyên môn của các cầu thủ trẻ. Truyền hình săn đón, dư luận dõi theo từng bước chân cầu thủ U19 quốc gia thuộc thành phần Hoàng Anh Gia Lai, đã đột ngột "lạnh nhạt" hẳn khi họ thất bại trong đội hình một của đội bóng này. Nhiều người đã không chấp nhận một thực tế là các cầu thủ ở độ tuổi 19-20, dù tài giỏi thế nào cũng rất khó so đọ với các cầu thủ trưởng thành. Chúng ta đã nhanh chóng "bỏ rơi" họ chỉ sau một mùa bóng, không đủ kiên nhẫn chờ đợi họ trưởng thành. Biểu hiện ấy, một phần, bị chi phối bởi tâm lý chuộng thành tích ngay cả khi thành tích đó có gì đó "phù phiếm".

Tâm lý chuộng thành tích một cách thái quá và thiếu thực tế có thể gây hại cho đời sống, gây lãng phí nhân lực, vật lực và thậm chí có tác động tiêu cực đến việc xác định đường hướng phát triển, mục tiêu cần đạt tới của một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như thể thao. Chúng ta cần công bằng, khách quan, đúng mực khi đánh giá về Ánh Viên, Công Phượng, nhìn rộng ra là về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Bằng cách tiếp cận đó, sự hình thành dư luận không tạo sức ép mang tính tiêu cực đối với tài năng, mà có ý nghĩa cổ vũ, động viên người tài phát triển theo chuẩn mực về chuyên môn, đạo đức, góp phần giúp họ trở thành hiền tài - nguyên khí quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần một cách tiếp cận khách quan, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.