Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạn kiệt vắcxin, hàng triệu trẻ em bị lỡ lịch tiêm chủng mở rộng

Theo Vietnamplus| 12/12/2018 11:00

Từ tháng 8-2018, hầu hết các địa phương trong cả nước đã rơi vào tình trạng cạn kiệt vắcxin, điều này đồng nghĩa với hàng triệu trẻ em bị lỡ lịch tiêm chủng.


Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được khắc phục khi từ cuối tháng 12-2018, 55.000 liều vắcxin ComBE Five thay thế vắcxin Quinvaxem sẽ được cung ứng cho các địa phương để triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, đảm bảo nguồn vắcxin an toàn để tiêm cho trẻ.

Vì sao chậm cung ứng vắcxin?

Hàng triệu phụ huynh trên cả nước đã để con mình lỡ ba mũi tiêm vắcxin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib vì thiếu vắcxin.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, cho biết, từ tháng 8, toàn tỉnh Lâm Đồng không còn bất cứ liều vắcxin 5 trong 1 nào, thậm chí nhiều huyện đã hết từ trước đó.

Sau bốn tháng hết vắcxin cũ, đến nay vắcxin mới vẫn chưa về. “Chúng tôi rất khát vắcxin và cần được cung cấp ngay từ bây giờ, bởi đã có quá nhiều trẻ bị chậm lịch tiêm chủng”, ông Phúc bức xúc nói.

Theo tính toán của tỉnh Lâm Đồng, mỗi tháng tỉnh có khoảng 7.000 trẻ em phải tiêm chủng vắcxin 5 trong 1, như vậy đã có hơn 3.000 trẻ em của địa phương này bị lỡ mũi tiêm vắcxin 5 trong 1 theo lịch.

Cùng chung cảnh “khát” vắcxin, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đã cạn kiệt vắcxin Quinvaxem từ tháng 9-2018. Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi tháng đơn vị này cần 17.000 liều vắcxin 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng. Mặc dù từ khi hết vắcxin Quinvaxem, các cơ sở y tế đã tư vấn cho người dân sử dụng vắcxin dịch vụ nhưng số lượng trẻ bị lỡ mũi tiêm này tương đối lớn.

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận, việc lỡ các mũi tiêm chủng vắcxin 5 trong 1 sẽ làm giảm đi cơ hội phòng bệnh cho trẻ. Ví dụ, với riêng bệnh ho gà có đến 84% trẻ tử vong dưới 6 tháng tuổi, nếu được chích ngừa mũi 1 thì khả năng bảo vệ khỏi bệnh ho gà khoảng 50%, mũi thứ 2 khả năng bảo vệ lên đến 80% và nếu chích ngừa đủ 3 mũi thì đảm bảo có đủ khả năng phòng bệnh. Do đó chích ngừa càng trễ, nguy cơ trẻ bị phơi nhiễm bệnh càng lớn.

Chia sẻ với các địa phương về tình hình khan hiếm vắcxin, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết, từ năm 2017 sau khi đơn vị sản xuất vắcxin Quinvaxem là Tập đoàn Janssen (Hàn Quốc) thông báo ngừng sản xuất loại vắcxin này, Bộ Y tế đã quyết định chuyển đổi sang vắcxin ComBE Five.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)


Tháng 6-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã nhập ba lô vắcxin ComBE Five do Liên minh vắcxin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) viện trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để tiến hành kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, kết quả kiểm định chất lượng ba lô vắcxin này chưa đạt kết quả như mong muốn. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu nhà sản xuất cung cấp lô vắcxin mới để kiểm định. Ngày 10-9, kết quả kiểm định lô vắcxin mới này đạt yêu cầu. Đây chính là lý do vì sao vắcxin ComBE Five chậm cung ứng cho người dân.

“Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để làm thủ tục mua vắcxin, mua số lượng lớn phải thông qua UNICEF nên thời gian chờ đợi cũng lâu. Sau đó, phải tiến hành kiểm định và chờ kết quả đến 2 lần. Do đó, mới có sự chậm trễ cung ứng vắcxin và đây hoàn toàn là do yếu tố khách quan”, Giáo sư Đặng Đức Anh phân trần.

Chấm dứt "cơn khát" vắcxin từ tháng 1-2019

Vắcxin ComBE Five được lựa chọn để thay thế vắcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia do Ấn Độ sản xuất và được lưu hành tại quốc gia này từ năm 2010. Vắcxin này cũng được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 400 triệu liều. Năm 2017, vắcxin ComBE Five được đăng ký lưu hành tại Việt Nam với thành phần và lịch tiêm chủng tương tự với vắcxin Quinvaxem.

Trước khi mở rộng triển khai trên toàn quốc, từ tháng 10-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai tiêm ngừa vắcxin ComBE Five quy mô nhỏ tại 889 xã, phường ở 7 tỉnh, gồm Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, với 17.356 trẻ được tiêm, đạt tỷ lệ tiêm chủng 75,6%.

Trong số hơn 17.000 trẻ được tiêm chủng bằng vắcxin ComBE Five có 964 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đau vết tiêm, chiếm 5,5%. Giáo sư Đặng Đức Anh khẳng định, do vắcxin ComBE Five có thành phần ho gà toàn tế bào tương tự như vắcxin Quinvaxem nên việc trẻ có những phản ứng sau tiêm cũng tương tự vắcxin này.

Đặc biệt, khi tiêm chủng bằng vắcxin ComBE Five đã ghi nhận ba trẻ có phản ứng nặng sau tiêm như sốt cao, co giật, có cơn ngừng thở, tím tái... tại tỉnh Bình Định và Bắc Giang. Trong đó, có một bé trai 3,5 tháng tuổi ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xuất hiện các phản ứng: sốt cao 39,5 độ sau tiêm, co giật, suy hô hấp, có cơn ngừng thở, phải đặt nội khí quản, điều trị tích cực bằng kháng sinh...

Sau một tuần nằm viện, trẻ đã phục hồi. Hội đồng chuyên môn các tỉnh Bình Định, Bắc Giang đều kết luận các phản ứng này là phản ứng phản vệ sau tiêm vắcxin.

Trước ý kiến lo ngại về tỷ lệ phản ứng sau tiêm của vắcxin ComBE Five quá cao so với vắcxin Quinvaxem, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân cho rằng, một vắcxin có an toàn hay không phải được đánh giá trên diện rộng, trong thời gian dài, không thể lấy tỷ lệ tai biến của một vài địa phương để đánh giá tính an toàn của một vắcxin. Độ an toàn của vắcxin ComBE Five đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, sử dụng tại 43 quốc gia với 400 triệu liều là minh chứng rõ nhất.

Trước đó, ba lô vắcxin ComBE Five đầu tiên được Bộ Y tế nhập về không đạt chất lượng khi kiểm định cũng đã khiến dư luận lo lắng về chất lượng của vắcxin. Nhìn nhận vấn đề này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, việc kiểm định một hay vài lô vắcxin không đạt chất lượng là hoàn toàn bình thường. Và vấn đề gặp phải ở một số lô vắcxin hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng chung của loại vắcxin đó.

Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, việc kiểm định kỹ các lô vắcxin khi mới nhập về là điều hoàn toàn cần thiết và chứng tỏ sự thận trọng của Bộ Y tế trước khi đưa vắcxin ComBE Five vào chương trình tiêm chủng mở rộng. “Đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định vắcxin ComBE Five an toàn và đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể yên tâm triển khai đại trà trên toàn quốc”, Giáo sư Đặng Đức Anh nói.

Dự kiến, tháng 1-2019, vắcxin ComBE Five sẽ tiếp tục được nhập về Việt Nam và chấm dứt “cơn khát” trên toàn quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạn kiệt vắcxin, hàng triệu trẻ em bị lỡ lịch tiêm chủng mở rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.