Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần kho dữ liệu dùng chung cho quy hoạch

Bảo Hân| 17/09/2022 05:53

(HNM) - Hà Nội đang tập trung lập nhiều đồ án quy hoạch quan trọng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô tới năm 2050, trong đó có những đồ án lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp đa ngành. Do đó, theo các chuyên gia quy hoạch, xây dựng kho dữ liệu tổng thể, dùng chung trong lĩnh vực quy hoạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Người dân tìm hiểu thông tin về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Triệu Hoa

Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Hiện các đơn vị, sở, ngành của thành phố Hà Nội căn cứ vào lĩnh vực quản lý đã xây dựng cơ sở dữ liệu riêng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự đồng nhất về chuẩn dữ liệu dùng chung. Từ thực tiễn này, việc phải có một cơ quan đứng ra chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, tích hợp thống nhất về quy hoạch giữa các ngành là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về lập quy hoạch tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch.

Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ chia sẻ, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do đơn vị đang thực hiện là việc lớn, việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các quận, huyện, thị xã, sở, ngành và sự tham gia của các chuyên gia. Nhiệm vụ này cũng đòi hỏi phải tổng hợp, tích hợp, xử lý đồng bộ khối lượng dữ liệu lớn, rất cần tới các công cụ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.

Cùng chung quan điểm, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, Quy hoạch Thủ đô tích hợp đa ngành, như xây dựng, giao thông, cấp, thoát nước, công thương, môi trường… Do đó, việc xây dựng một kho dữ liệu tổng thể, dùng chung là việc rất cấp thiết hiện nay.

“Hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa, phần mềm phục vụ triển khai, quản lý và cung cấp thông tin sẽ giúp tham mưu tốt hơn cho người làm quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống số liệu cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy hoạch được duyệt; đồng thời, là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình đô thị hóa và cung cấp dịch vụ công, minh bạch thông tin quy hoạch cho người dân”, ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.

Chờ đợi những biến chuyển

Trước yêu cầu từ thực tiễn, tại Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 14-6-2022 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì xây dựng dữ liệu về thông tin quy hoạch.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cơ sở dữ liệu và Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Trịnh Quang Dũng cho biết, đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng bộ dữ liệu về quy hoạch xây dựng, đô thị. Dữ liệu này gồm hệ thống thông tin Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch chung các huyện, thị xã; quy hoạch chung thị trấn, thị trấn sinh thái; quy hoạch chung đô thị vệ tinh, các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết…, được lưu trữ ở dạng số hóa.

“Ngay sau khi được UBND thành phố giao vốn theo kế hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng phần mềm và số hóa dữ liệu quy hoạch theo đúng chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng quy định. Phần mềm hệ thống thông tin quy hoạch bao gồm các bộ ứng dụng nghiệp vụ phục vụ quản lý nhà nước và bộ ứng dụng phục vụ công khai thông tin quy hoạch xây dựng”, ông Trịnh Quang Dũng thông tin.

Ngoài ra, để xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý, UBND thành phố cũng đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì soạn thảo và triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Lưu Quang Huy cho biết, mục tiêu của Đề án là thiết lập khung cơ sở dữ liệu hợp nhất cập nhật các thông tin chủ yếu như quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước...; hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục, y tế, du lịch, cây xanh, mặt nước, nghĩa trang, xử lý rác thải... và các dữ liệu khác về phát triển kinh tế - xã hội. Khung cơ sở dữ liệu này là nền tảng, sau đó các sở, ngành, cơ quan có liên quan cập nhật, bổ sung định kỳ theo chức năng, nhiệm vụ.

Đề án cũng hướng tới xây dựng bộ dữ liệu về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị và hệ thống phần mềm ứng dụng cập nhật, tìm kiếm, khai thác dữ liệu theo phân quyền; chia sẻ dữ liệu cho hệ thống cơ sở dữ liệu khác; phân tích dữ liệu hỗ trợ quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn thành phố. Thêm tín hiệu vui được mong chờ là hệ thống thông tin quy hoạch sau khi hoàn thành sẽ được chia sẻ cho UBND các cấp, các sở, ngành... theo quy chế phân quyền khai thác thông tin và có các dịch vụ hành chính công cung cấp thông tin quy hoạch cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kho dữ liệu dùng chung cho quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.