(HNM) - Năm 2010, từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, tiến độ các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được thúc đẩy đáng kể. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 37 dự án xây nhà ở cho người thu nhập thấp được khởi công với tổng diện tích sàn khoảng 750.000m2.
Trong năm 2011 này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu sẽ có khoảng 70.000 hộ thu nhập thấp có nhà ở.
Trên đây là những con số rất ấn tượng khiến những người thu nhập thấp rất mừng. Nhưng...
Hiện cả nước có ngót 10 triệu người làm công ăn lương có mức thu nhập trung bình vào khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) tính toán: "Nếu không ăn tiêu, dành toàn bộ lương cho việc tạo lập chỗ ở, thì người làm công ăn lương ở nước ta phải mất tới 24,5-26,5 năm mới mua được nhà". Nói vậy để thấy, hiện thực hóa giấc mơ an cư đối với người có thu nhập thấp là con đường đầy truân chuyên. Lấy ví dụ, chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đầu tiên của cả nước được xây dựng và bán cho các đối tượng theo quy định. Mức giá dự kiến là từ khoảng 8,8 triệu đồng tới 10 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ diện tích từ 50 tới 60m2 sẽ có mức giá từ 450 triệu đồng tới 600 triệu đồng. Vào thời điểm đó (những tháng cuối năm 2010), giá rau xanh, thực phẩm... chưa tăng cỡ 200-300% như hiện nay, nhưng chắc chắn, những đối tượng "chuẩn" thuộc diện thu nhập thấp có từng ấy tiền để bỏ ra mua nhà cũng không dễ dàng gì. Còn như tính toán của ông Nguyễn Mạnh Hà đã nêu ở trên, dù mất từng ấy thời gian dành dụm, tích cóp tiền lương để mua nhà, nhưng liệu mấy chục năm sau giá nhà có đứng yên một chỗ? Tất nhiên, có người sẽ nói, mức lương lúc đó sẽ khác, nhưng trên thực tế qua những lần điều chỉnh lương thì mức tăng lương không theo kịp với mức tăng giá. Do đó, dù là người có thu nhập thấp hay thu nhập trung bình cũng khó có thực lực để mua được căn hộ theo tiêu chuẩn. Từ đây phát sinh hai vấn đề. Thứ nhất: Đối tượng mua nhà của những dự án trên không phải là người có thu nhập thấp. Thứ hai: Người thu nhập thấp sẽ phải xoay xở để có đủ tiền mua nhà. Cũng cần lưu ý rằng, hiện có không ít đối tượng làm công ăn lương đang phục vụ tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và rất có thể đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu, tiêu cực...
Ở khía cạnh khác, hiện các doanh nghiệp không mặn mà khi thực hiện những dự án xây nhà ở cho người có thu nhập thấp, bởi lợi nhuận từ mảng thị trường này không nhiều (tối đa là 10%), thu hồi vốn chậm, không nhanh như xây nhà ở thương mại, trong khi đó doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước chưa dễ dàng...
Để ước mơ an cư cho người có thu nhập thấp thành hiện thực, những bất cập nêu trên phải được giải quyết ổn thỏa bằng việc nhanh chóng ban hành những chính sách cụ thể và có tầm vĩ mô. Ví dụ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng cần phải xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở từ sự đóng góp của những người làm công ăn lương (khoảng 1% thu nhập hằng tháng). Mục đích sử dụng của quỹ này là dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho đối tượng có thu nhập thấp vay ưu đãi để mua nhà hoặc thuê nhà... Tất nhiên cũng cần phải tính toán, cân nhắc từng giải pháp. Chỉ có như vậy thì mới hy vọng giải quyết tận gốc vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.