(HNM) - Chống thất thu thuế, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế được nhiều địa phương xác định là giải pháp quyết định để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Tuy nhiên, với không ít nơi, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phổ biến và chỉ khi cơ quan thuế quyết liệt
Điều này cho thấy dư địa thuế thực tế rất lớn, nhưng cũng bộc lộ những vấn đề còn tồn tại ngay trong ngành Thuế mà nếu không có những chuyển biến cơ bản, tận gốc sẽ không dễ gì thay đổi.
Dễ thấy, thất thu thuế phản ánh tính hai mặt của một vấn đề, đó là lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp. Trong khi Nhà nước luôn có khuynh hướng tăng nguồn thu từ thuế thì doanh nghiệp lại mong muốn phải nộp thuế càng ít càng tốt. Thất thu thuế hiện đang tồn tại ở hai dạng: Thất thu tiềm năng (chưa thu được thuế do chưa có quy định hoặc luật có kẽ hở) và thất thu thực tế (không thu được thuế theo quy định của pháp luật).
Sự thực thì để nhận diện nguyên nhân làm thất thu thuế không khó, nhưng cuộc đấu tranh chống gian lận trong lĩnh vực thuế luôn đòi hỏi sự bền bỉ, đồng thời phải có những quan điểm, chính sách, biện pháp xử lý thích hợp trong từng thời điểm.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần chống thất thu thuế là tăng cường thanh tra, kiểm tra. Thực tế cho thấy, hiện nay thanh tra, kiểm tra đến đâu sẽ có truy thu đến đấy, kiểm chỗ nào cũng ra thuế. Chỉ tiêu số thu ngân sách nhà nước năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước mà nếu loại bỏ yếu tố tăng trưởng thì vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc cơ quan thuế đặt mục tiêu như thế nào mà thôi.
Hiện nay, doanh nghiệp được tự khai, tự chịu trách nhiệm về thuế, vì thế họ cũng vận dụng đủ cách để đẩy chi phí lên cao, kéo giảm doanh thu, nhằm giảm số thuế phải nộp xuống mức thấp nhất. Cũng vì vậy mà tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Cũng phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp chắc chắn không thể dễ dàng "qua mặt" cơ quan chức năng vì không phải khoản chi phí nào cũng được công nhận là hợp lý, hợp lệ. Ví dụ như việc mua bán xe máy, từ nhiều năm qua, dường như ai mua xe cũng đều chấp nhận việc giá khai tính thuế thấp hơn nhiều so với giá thực mua. Một điểm nữa đáng bàn là những “khoảng trống” pháp lý, điển hình như tình trạng thất thu thuế tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là những đơn vị có doanh thu lớn, thường xuyên mở rộng quy mô nhưng lại liên tục báo lỗ. Đó là chưa kể tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa...
Thực tế trên cho thấy, để chống thất thu thuế hiệu quả thì chính sách cũng như công tác cán bộ được cho là cực kỳ quan trọng. Chỉ khi có sự hoàn thiện chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch; ngành Thuế xử lý nghiêm, kiên quyết với những hành vi gian lận, cũng như hiện tượng công chức trong ngành nhũng nhiễu, vòi vĩnh... thì câu chuyện thất thu thuế mới có cơ hội giảm bớt.
Dĩ nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện, xây dựng chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch, cũng đòi hỏi sự bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế có trọng điểm, đúng người, đúng lúc. Nói gì chăng nữa, muốn chống thất thu thuế là phải làm từ gốc, chống thất thu ngay trong chính sách cũng như những người làm nhiệm vụ tính thuế, thu thuế cho ngân sách...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.