Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp mạnh chấm dứt tình trạng khan hàng, sốt giá thiết bị y tế

Lam Giang| 26/02/2022 18:07

(HNMO) - Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân đổ xô đi mua các loại kit test, thuốc phòng dịch Covid-19… khiến giá sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 liên tục tăng, nhiều thời điểm khan hàng. Thực tế này đặt ra vấn đề cần giải pháp mạnh để bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Kit test nhanh, nước muối sinh lý… khan hàng

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng khiến nhiều người lo lắng, tìm mua các loại kit test nhanh SARS-CoV-2 trên thị trường.

Người dân mua kit test Covid-19 tại một nhà thuốc.

Theo chị Vũ Thanh Huyền (nhân viên ngân hàng), những ngày qua, giá kit test Covid-19 liên tục "nhảy múa". “Cách đây hai hôm, tôi mua chung kit test của Hàn Quốc với giá 68.500 đồng/bộ. Nhưng để được giá đó phải mua số lượng lớn và phải đặt cọc trước cả tuần. Hôm nay, tôi hỏi mua cho người nhà cũng mối hàng đó, mà giá đã lên 90.000 đồng/bộ”, chị Huyền cho biết.

Trong ngày 26-2, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận thực tế không chỉ giá kít test nhanh Covid-19 lên cao, mà nhiều nơi còn hết hàng hoặc bán nhỏ giọt. Tại một nhà thuốc trên đường Giải Phóng (quận Hai Bà Trưng), người bán hàng cho biết, chỉ bán 5 bộ mỗi người với giá 85.000 đồng/bộ. “Hiện nguồn hàng đang khan hiếm nên cửa hàng chỉ bán số lượng nhỏ”, nhân viên bán hàng ở đây cho biết. 

Một số cửa hàng chỉ bán mỗi người 5 bộ test Covid-19.

Trong khi đó, một nhà thuốc tại phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) cho hay, hiện không còn loại kit test nào, kể cả loại thử bằng nước bọt của Trung Quốc. Được hỏi khi nào sẽ có hàng, nhân viên cửa hàng này cho hay: “Không biết chắc khi nào hàng mới về. Hiện cả hệ thống đều đang rất thiếu hàng”. 

Ghi nhận tại các nhà thuốc, cũng loại kit test Covid-19 của Hàn Quốc hiệu RapiGEN, nơi thì bán 80.000 đồng/bộ, chỗ khác lại bán 85.000 đồng/bộ.

Lý giải về việc giá mặt hàng này tăng cao, nhân viên một nhà thuốc trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết, giá nhập tăng, thậm chí lên từng ngày. Liên quan tới việc giá bán chênh lệch nhau khá nhiều, đại diện nhiều cửa hàng cho rằng, do giá nhập và chi phí thuê mặt bằng khác nhau nên giá bán cũng khác.

Qua khảo sát, phóng viên ghi nhận kit test của Hàn Quốc, Trung Quốc có giá 75.000-80.000 đồng/bộ; của Thổ Nhĩ Kỳ 90.000-95.000 đồng/bộ; của Anh, Đức, Pháp còn lên tới 100.000-110.000 đồng/bộ…, đều tăng 20.000-30.000 đồng/bộ so với tuần trước.

Không chỉ mặt hàng kit test nhanh khan hàng, các loại thuốc hỗ trợ như nước muối sinh lý, thuốc long đờm, trị ho, viên ngậm… cũng hết hàng. Ghi nhận trong sáng nay (26-2), tại kệ thuốc viên ngậm sát khuẩn họng, nước muối… của một số siêu thị, cửa hàng thuốc trống hàng do chưa kịp nhập về.

Những ngày này, cồn sát khuẩn, vitamin là hàng "hot".

Quầy thuốc sát khuẩn của một siêu thị thuốc trống trơn do tạm hết hàng.

Cần quy định giá trần

Ngày 23-2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành: Cục Quản lý thị trường thành phố, Y tế, Tài chính, Công Thương, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ôxy trong máu; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật. 

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong ngày 25-2, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, phát hiện thu giữ hơn 5.000 kit test Covid-19 và 600 máy đo nồng độ ôxy trong máu có dấu hiệu vi phạm.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), thực hiện chỉ đạo, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng như các đội quản lý thị trường tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung kiểm tra, kiểm soát với 100% cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc tư nhân... "Về cơ bản, đến thời điểm này, hầu hết hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng”, ông Nghĩa cho biết.

Phân tích về nguyên nhân các mặt hàng chống dịch tăng giá, khan hiếm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả - Bộ Tài chính) cho rằng, diễn biến dịch bệnh phức tạp, với số ca mắc Covid-19 tăng cao, khiến tâm lý của người dân lo lắng. Ngoài việc mua để chữa bệnh, còn có nhiều người mua để dự trữ. Nhà nhà, người người đi mua các mặt hàng phòng dịch khiến nhu cầu ảo tăng cao, cung - cầu mất cân đối.

Bên cạnh đó, hầu hết người dân đi mua thuốc thường không mặc cả, đặc biệt trong lúc khẩn cấp, sẵn sàng chấp nhận trả mức giá mà cửa hàng đưa ra. Do đó, không ít tư thương đã lợi dụng để tạo khan hiếm giả, nâng giá, nhằm trục lợi đẩy giá lên cao.

Thực tế nêu trên đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, đưa ra giải pháp cứng, như quy định mức giá trần, để vừa tạo môi trường cạnh tranh, vừa bảo đảm giá kit test Covid-19 không "nhảy múa". Ngoài ra, cơ quan chức năng cần công bố danh mục, chủng loại sản phẩm với nguồn gốc, chất lượng rõ ràng để người dân có căn cứ xác định. “Nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc thì những người bị tổn thương nhiều nhất chính là người dân, nhất là người có thu nhập thấp”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Liên quan tới giá bộ test Covid-19 cũng như một số loại thuốc phòng, chống dịch Covid-19, ông Nghĩa cũng kiến nghị: “Nhà nước cần đưa ra mức giá trần để các lực lượng chức năng như quản lý thị trường có căn cứ kiểm tra, giám sát và xử lý, ngăn chặn các trường hợp tăng giá bất hợp lý. Quy định này cần được ban hành sớm, để kịp thời xử lý các vi phạm ngay khi nhu cầu trên thị trường tăng cao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp mạnh chấm dứt tình trạng khan hàng, sốt giá thiết bị y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.