Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần gì để “neo” trong lòng bạn đọc?

Thi Thi| 09/03/2014 06:31

(HNM) - Những năm gần đây, bạn đọc có dịp đón nhận hàng loạt ký chân dung văn nghệ sĩ của các nhà văn, nhà báo, nhà thơ nhiều lứa tuổi.

Đây là xu thế tập hợp các bài viết của người "gác" chuyên mục chân dung văn nghệ sĩ của các báo, hay là sự chắt lọc những sẻ chia và cộng hưởng lẫn nhau giữa những người cầm bút? Và điều đó có đóng góp gì cho đời sống văn nghệ nói chung?

Một tác phẩm của cây bút trẻ Di Li.


1. Một chặng dừng chân

Có thể kể ra đây một loạt tác phẩm ký chân dung văn nghệ sĩ xuất hiện vài năm qua như "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa, "Họ trở thành nhân vật của tôi" của Hồ Anh Thái…, và gần đây là "Những cái tên, những mặt người" của nhạc sĩ Quốc Bảo, "Chuyện làng Văn" của Di Li, "Đi về không điểm đến" của Nguyễn Quỳnh Trang, "Tìm trong cõi người" của nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang… Sắp tới, nhà văn, thiếu tá Nguyễn Thế Hùng sẽ cho ra mắt tập ký chân dung về người lính, dự kiến mang tên "Dưới cỏ là mìn", trong đó có nhiều chân dung nhà văn chiến sĩ…

Phải nói, do công việc mà nhiều nhà báo, nhà văn có điều kiện tiếp xúc với văn nghệ sĩ, cộng với áp lực bài vở nên cứ đến hẹn là phải "đẻ" chân dung nhà văn, nhà thơ, diễn viên, nhạc sĩ… hòng nuôi chuyên mục của mình. Sau một thời gian, thấy đã đầy đặn, họ chọn in thành sách. Một xu hướng khác là các nhà văn vốn là tri âm, tri kỷ hoặc chí ít là có điều kiện gần gũi nhiều với các "nhân vật" của mình, tự thấy đến lúc cần đưa họ vào trang sách. Trong cả hai trường hợp, sự gần gũi và nhạy cảm đến độ nào đó của tác giả với nhân vật là điều kiện mở ra những trang viết thú vị về đời sống văn nghệ sĩ, về những điều ít người biết đằng sau hào quang. Có cảm giác đối với những người viết chuyên nghiệp thì ký chân dung văn học cũng giống như một chặng nghỉ, nhìn lại bạn và nghề cũng như nhìn lại mình… để mà đi tiếp.

Nhưng, cũng có phải ai cũng có thể viết ký chân dung và có phải ai cũng trở thành nhân vật của ký chân dung văn nghệ sĩ? Nhà văn trẻ Di Li cho rằng chị viết ký chân dung vì nhân vật đó lôi cuốn và thú vị với bản thân. Cũng không phải cứ thân thiết hay có thật nhiều thành tựu là viết được về nhau. Nhiều khi viết ký chân dung cũng như vẽ biếm họa, nhân vật phải có nét gì đấy để lôi ra thành đặc trưng, một ấn tượng không lẫn với ai…

Một cái khó nữa của ký chân dung mà rất nhiều người viết thừa nhận, là bức chân dung mà mình tái hiện phải làm hài lòng nhân vật (tức là nhân vật phải tâm phục khẩu phục), làm hài lòng chính mình (vì mình viết theo góc nhìn của mình, chứ không phải của ai khác, kể cả là của nhân vật) và đương nhiên phải khiến bạn đọc hài lòng.

2. Để còn lại với thời gian

Ký chân dung văn nghệ sĩ thường không phải một tác phẩm văn chương đích đến của người viết, nhưng để nó ở lại trong lòng bạn đọc, neo chắc với thời gian thì hoàn toàn không dễ.

Giọng văn và cái duyên trong ngòi bút khiến các tác giả dù cùng một người mẫu nhưng vẫn vẽ ra những nhân vật không trùng nhau. Và nữa, viết ký để ngợi ca nhân vật, rõ rồi nhưng cũng không thể là sự "ngợi ca" non nớt. Khối trang viết "kể xấu" văn nghệ sĩ này nói dài, người viết kia ôm đồm, cả nể hoặc có cả một "rổ" chuyện "ngờ nghệch"… nhưng tựu chung đều phải là sự "kể xấu" đúng chất và làm toát lên tinh thần nhân vật trong cái nhìn thấu hiểu và sẻ chia.

Cho đến giờ, hình ảnh ấn tượng nhất về Lê Minh Khuê dưới ngòi bút của Hồ Anh Thái, với tôi không phải là chuyện gì to tát, mà là ở những lặt vặt đời thường của bà "cứ chật vật với cái điện thoại di động mới biết dùng, hở hả vào máy trong khi tàu chạy sầm sập… Hằng ngày đến cơ quan, không đi xe máy, xe đạp, chỉ có đi xe buýt… để biết được nhiều chuyện của hành khách, lái xe… Rồi thường tay xách nách mang, chiều tối là trở về với gia đình". Tưởng là chuyện loăng quăng mà rồi ra chuyện viết lách. "Nhiều người đọc tâm đắc với mảng truyện sau chiến tranh của Lê Minh Khuê… và ngạc nhiên: Phương pháp tiếp cận đời sống nào, khả năng xử lý hiện thực nào, khả năng hư cấu nào… khiến một người đàn bà thùy mị, bao giờ cũng nghĩ tốt về người khác lại có thể trở nên sắc sảo và dữ dội đến thế trong văn chương?".

Hay như Bình Nguyên Trang viết về Y Ban, bằng câu chuyện đời thường, bằng nỗi cảm thông đàn bà để gạt bỏ đi cái lớp vỏ táo tợn, chạm đến những nỗi niềm phụ nữ trong con người và tác phẩm của nhà văn. Còn như Nguyễn Thế Hùng, trong bản thảo tập ký chân dung văn nghệ sĩ áo lính của anh sắp ra mắt, nhà văn Khuất Quang Thụy trong một trường đoạn bi hài đã hiện lên thế này: "Những ngày đầu dan díu… với công nghệ, một hôm nhà văn Khuất Quang Thụy đau khổ: Tao đau quá chúng mày ạ, vừa mất béng đi nửa cuốn tiểu thuyết". Một nhà văn trẻ bảo "Thằng nào dám ăn cắp, bác bảo em…". Khuất Quang Thụy rầu rầu chỉ vào cái mặt… máy vi tính: "Thằng này này, chính nó đã ăn cướp mất của anh mày nửa cuốn tiểu thuyết, cướp mất cả năm trời mồ hồi nước mắt"…

Thế nhưng ở đoạn khác thì lại nao người: "Khuất Quang Thụy cầm nắm hương khóc như mưa gió trong nghĩa trang Đường 9. Ông bảo nên đưa những kẻ tham nhũng lên… hằng ngày nhổ cỏ, quét dọn nghĩa trang… rồi lập tức ông lại chữa: Không được, đánh nhau mệt lắm rồi, về nghĩa trang là để an nghỉ, không nên bắt liệt sĩ phải làm quản giáo nữa, không nên để các anh ấy… buồn".

Những trang viết thế này ai bảo không sống động như điện ảnh? Và không có gì là quá khi nói đó là chất liệu cho sáng tạo, học tập và nghiên cứu văn nghệ sau này.

Chỉ có điều để được như vậy, những tập ký chân dung văn nghệ sĩ phải có đủ sức nặng đi cùng thời gian!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần gì để “neo” trong lòng bạn đọc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.