(HNM) - Hiện tượng người tham gia giao thông gom tiền lẻ mệnh giá nhỏ để mua vé qua trạm thu phí nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý đã xảy ra ở nhiều nơi.
Trước Cai Lậy, người tham gia giao thông đã từng phản đối việc thu phí tại các trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An), Cầu Rác (Hà Tĩnh), Quán Hàu (Quảng Bình)... bằng nhiều hình thức khác nhau như đưa tiền mệnh giá nhỏ đã được nhúng vào nước bết lại để nhân viên khó đếm; diễu hành bằng xe ô tô; tụ tập đông người và để xe chắn trạm...
Phải có những phi lý nên mới dẫn đến sự phản ứng của người dân. Đến thời điểm hiện tại, hầu như mọi tuyến đường huyết mạch đều có trạm thu phí. Thậm chí cả những tuyến độc đạo như quốc lộ 6 qua Lương Sơn (Hòa Bình) hay cầu Việt Trì trên quốc lộ 2 cũng đặt trạm.
Riêng quốc lộ 1, tuyến đường huyết mạch của quốc gia có tới hơn 20 trạm. Sẽ không có vấn đề gì nếu không có những mập mờ trong chuyện đặt trạm, mức thu. Điển hình là Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) vừa bị yêu cầu tạm dừng hoạt động do đã thu hồi quá số vốn đầu tư cho dự án đường tránh thành phố Thanh Hóa (sớm hơn 20 năm so với kế hoạch). Tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, qua kiểm tra, số tiền thu thực tế cao gấp 3 lần so với chủ đầu tư báo cáo.
Mục tiêu của chính sách BOT là thu hút nguồn lực tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Thế nhưng chính sách này đã bị lợi dụng để biến thành "miếng bánh" béo bở cho các nhà đầu tư chia chác.
Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các đơn vị quản lý đường cao tốc phải lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu phí như tổng mức đầu tư, thời gian thu, mức thu, số tiền thu được hằng ngày... để người dân cùng giám sát.
Thiết nghĩ, đây là việc làm cấp thiết và cần phải triển khai quyết liệt. Người dân sẵn sàng trả tiền phí sử dụng nhưng cơ quan nhà nước, nhà đầu tư phải tính đúng, tính đủ. Không thể để tình trạng mập mờ dẫn tới những phản ứng tiêu cực, gây bức xúc dư luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.