(HNM) - Ùn tắc giao thông hiện nay là
Với Hà Nội, do số lượng dân cư lớn, trong đó không ít do gia tăng dân số cơ học, chưa kể số lao động tự do, phương tiện vãng lai, nên tình trạng ùn tắc giao thông luôn thường trực dù các cơ quan chức năng thành phố đã rất nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Có thể kể ra như việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng; phát triển mạng lưới xe buýt; thu gọn vỉa hè, dải phân cách để làm đường cho các phương tiện lưu thông; phân làn, phân luồng phù hợp để hạn chế ùn tắc… Cùng với một tuyến buýt nhanh đã đưa vào hoạt động, trong tương lai khi có thêm các tuyến đường sắt đô thị, tuyến buýt nhanh mới sẽ được đưa vào khai thác mang theo kỳ vọng cải thiện đáng kể bộ mặt giao thông cho thành phố…
Nhưng, nói gì thì nói, nếu còn để tình trạng phát triển phương tiện cá nhân “phi mã” như hiện nay, sẽ rất khó giải quyết dứt điểm ùn tắc giao thông. Những tín hiệu về việc khởi động nghiên cứu triển khai xây dựng đề án quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường là hết sức đáng mừng khi 85% trong tổng số 16.000 người dân được hỏi khẳng định ủng hộ chủ trương này.
Điều đó phần nào cho thấy, nhận thức của người dân đã có thay đổi tích cực!
Người dân đã ủng hộ chủ trương đúng! Một câu hỏi đặt ra là: Khi người dân đã chấp nhận từ bỏ phương tiện cá nhân, vậy họ sẽ đi lại thế nào?
Chắc chắn đây là nội dung chính mà đề án quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường rồi đây sẽ được các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn tính toán thấu đáo. Hệ thống xe buýt ở thành phố đã có sự phát triển vượt bậc trong hơn chục năm qua, nhưng đến nay cũng chỉ đáp ứng được 14-15% nhu cầu. Với cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông cá nhân quá lớn, hệ thống xe buýt cũng đã “chạm ngưỡng”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, hệ thống xe buýt phải đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặt ra mục tiêu để phấn đấu là cần thiết, nhưng nếu hệ thống xe buýt “đơn thương, độc mã” sẽ khó thay đổi tình hình.
Nếu các dự án đường sắt đô thị cứ ì ạch tiến độ như hiện nay, tính kết nối giữa các loại hình phương tiện công cộng còn hạn chế, sẽ rất khó “thuyết phục” người dân từ bỏ hoàn toàn phương tiện cá nhân.
Rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm để chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân thực sự đi vào lòng người, phát huy hiệu quả. Trong khi hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thành, chắc hẳn phải nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để ngày càng có nhiều người sử dụng phương tiện công cộng. Không chỉ là tổ chức hệ thống luồng, tuyến, điểm dừng... hợp lý, mà còn cả việc đổi mới đầu tư phương tiện phù hợp đặc thù từng tuyến, việc nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ lái xe, nhân viên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan phải tăng cường trách nhiệm trong đẩy nhanh tiến độ các dự án đã, đang và sẽ triển khai, đặc biệt là phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn gắn với kết nối chặt chẽ hệ thống đường sắt quốc gia, hệ thống xe buýt hiện có.
Sự lớn mạnh của hệ thống vận tải công cộng như vừa nêu cần phải được gắn chặt với từng bước hạn chế phương tiện cá nhân theo lộ trình, bước đi cụ thể. Trên cơ sở thực hiện một cách đồng bộ như thế, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ tích cực, hiệu quả thu được sẽ cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.