(HNM) - Công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên (HSSV) hiện nay cần được quan tâm hơn nữa. Đó là nhận định chung được ghi nhận trong một hội nghị mới đây về công tác phát triển Đảng trong các nhà trường, do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Không sâu sát sẽ bỏ lỡ cơ hội
Theo Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT, trong 15 năm qua, số lượng đảng viên là HSSV trong các nhà trường được kết nạp tăng hằng năm, nhất là từ năm 2007 - 2008 đến nay tăng rõ rệt. Một số nhà trường đã làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển Đảng như: Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã kết nạp 762 đảng viên trong 15 năm qua; Đại học Thái Nguyên, chỉ riêng từ năm 2010 đến nay đã kết nạp được 1.062 đảng viên... Các trường ĐH ngoài công lập ngày càng quan tâm chú ý tới công tác này, số SV được kết nạp tăng, như: Trường ĐH Đông Đô, Trường ĐH Phương Đông, Trường ĐH Lạc Hồng... Với thời gian đào tạo chỉ có 3 năm, song nhiều trường CĐ cũng rất chú trọng đến công tác phát triển Đảng.
Công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Bảo Kha |
Tuy nhiên, theo ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, trong quá trình triển khai kết nạp đảng viên, ở một số đơn vị, việc công nhận đảng viên chính thức chưa thực hiện theo đúng quy định, thời gian hoàn thiện hồ sơ còn kéo dài. Một số SV giỏi, xuất sắc chưa thực sự quan tâm và phấn đấu vào Đảng. Với các chi bộ, việc xem xét kết nạp SV gặp khó khăn về kinh phí khi đi thẩm tra lý lịch, nên phải lấy kinh phí từ nhà trường. Nhà trường dùng hình thức gửi qua bưu điện về địa phương xác minh, thẩm tra lý lịch thì không có hồi âm hoặc có nhưng chậm, không bảo đảm về thời gian nên phải làm lại.
Đại diện nhiều trường cũng thừa nhận, do việc xét hồ sơ kết nạp và đi thẩm tra lý lịch còn khó khăn, nên nếu chi bộ không sâu sát thì sẽ bỏ lỡ cơ hội kết nạp với các em. Việc giới thiệu đảng viên dự bị sau khi tốt nghiệp chưa nhận công tác chuyển sinh hoạt Đảng cũng không thuận lợi; có trường hợp bỏ Đảng do một số đảng viên là SV sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm ngay, hoặc không có chi bộ để chuyển sinh hoạt. Chính điều đó cũng tác động làm nản lòng các quần chúng tích cực khác.
Cần có sự khuyến khích
Trong số các nguyên nhân khiến việc triển khai phát triển Đảng trong HSSV còn chưa đều khắp, xứng tầm, ông Ngũ Duy Anh cho rằng: Một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên dạy các môn lý luận chính trị, ảnh hưởng tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung. Việc tổ chức các hoạt động, các phong trào chưa nhiều, còn nghèo nàn cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, đối với SV, thời gian rèn luyện, phấn đấu trong trường không dài: 3 năm ở bậc CĐ, 4 - 5 năm ở bậc ĐH, trung cấp chuyên nghiệp 2 năm. Nếu không có sự quan tâm và phân loại, bồi dưỡng HSSV ngay từ khi mới nhập học thì các em khó có thể được kết nạp Đảng trong thời gian học tập ở trường. Bên cạnh đó, theo đại diện Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, với phương thức đào tạo tín chỉ, SV được quyền đăng ký học tập, lựa chọn môn học, thời gian học, nên SV cùng một chi đoàn học ở nhiều lớp khác. Điều này cũng đã có tác động nhất định đến việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn, đánh giá và theo dõi quá trình rèn luyện đoàn viên và việc triển khai lấy ý kiến quần chúng đối với đoàn viên ưu tú được xét giới thiệu kết nạp Đảng.
Để công tác phát triển Đảng có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Công tác chính trị (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) góp ý kiến, các quy định cần cân nhắc, tính toán thời gian phù hợp đối với các khóa đào tạo. Hiện để đủ điều kiện xét cho đi học lớp nhận thức về Đảng, làm thủ tục kết nạp Đảng, SV, học viên phải có điểm trung bình học tập từ 6,0 trở lên, phải được cộng điểm rèn luyện trong từng kỳ và phải có kỳ đạt điểm giỏi. Thế nhưng nhiều em kỳ đầu mới vào trường điểm trung bình học tập đạt trên 5,0 nhưng dưới 6,0 thì không có điều kiện phát triển Đảng trong trường, làm mất động cơ phấn đấu của SV.
Trên cơ sở thực tiễn thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Đảng bộ các nhà trường thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc phân loại và bồi dưỡng HSSV ngay từ năm thứ nhất để xem xét kết nạp trong các năm tiếp theo. Các trường cũng cần chủ động nghiên cứu, điều chỉnh các nội dung điểm phù hợp trong thang điểm quy định của Bộ sao cho phù hợp với điều kiện đào tạo theo tín chỉ hiện nay, để khuyến khích được HSSV tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Ông Lê Văn Hội (Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích những quần chúng ưu tú là những HSSV có thành tích cao trong học tập và công tác xã hội trong trường học vào Đảng, tạo cho các em cơ hội được tiếp nhận vào công tác, làm việc tại các cơ quan nhà nước sau khi ra trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.