Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cơ chế bảo vệ người dũng cảm

Phong Thu| 21/05/2014 05:59

(HNM) - Công dân có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), song họ cần được bảo vệ an toàn tốt hơn nữa. Đó là nội dung được nêu ra tại buổi tọa đàm có chủ đề "Vai trò của công dân trong phòng, chống tham nhũng" do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội.

Có cơ chế nhưng còn khó khăn

Theo Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng: "Cơ sở pháp lý để thực hiện PCTN tại Việt Nam hiện khá đầy đủ. Các văn bản pháp luật liên quan PCTN đều khẳng định và đề cao vai trò của công dân trong việc phối hợp cùng cơ quan chức năng trong PCTN. Theo đó, công dân có quyền và có thể tham gia vào PCTN bằng nhiều kênh khác nhau: Chấp hành pháp luật, hoàn thiện thể chế, lên án, đấu tranh, tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, hạn chế của công dân đối với công tác PCTN là: "Không muốn tham gia; không thể tham gia và không dám tham gia". Cho dù các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cũng đã vào cuộc quyết liệt, đồng hành cùng người dân bảo vệ sự công bằng xã hội. Tiêu biểu như Ủy ban MTTQ Việt Nam đã luôn tìm cách phát huy vai trò tốt nhất của người dân đối với các vấn đề xã hội, trong đó có công tác PCTN thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện, có biểu dương hoặc đề xuất với Nhà nước khen thưởng đối với những người có phát hiện, đấu tranh PCTN. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tăng cường đưa nhiều thông tin về PCTN, đăng tải các tấm gương, điển hình người tốt, giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt nhằm tạo sự lan tỏa, huy động sức mạnh của công dân đối với vấn đề này.

Thực tế cho thấy, việc công dân tham gia PCTN còn rất khó khăn. Tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Thị Nguyệt - bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vẫn không kìm nén được cảm xúc khi kể lại quá trình gian khó trong việc tố cáo vụ việc "nhân bản" xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức Hà Nội: "Ngay từ khi ký đơn tố cáo chúng tôi đã gặp khó khăn, trắc trở. Giám đốc bệnh viện đã nêu tên chúng tôi trong cuộc họp, yêu cầu rút đơn cùng với nhiều tác động, sức ép từ gia đình đã khiến 2/5 người rút đơn tố cáo. Thời gian đơn được gửi đến một số cơ quan có thẩm quyền cũng là thời gian chúng tôi thấp thỏm chờ đợi, hy vọng và lo lắng, sợ hãi. Nhưng điều đáng buồn là không ít lần chúng tôi chờ đợi trong vô vọng. Tôi cảm giác đối tượng tham nhũng giống như một con bạch tuộc, có thể len lỏi, vươn dài đến nhiều nơi để cản trở người tố cáo".

Người tố cáo chưa an tâm

Là phóng viên làm mảng điều tra lâu năm, chị Lê Thanh Hà (Báo Tuổi trẻ), cũng khẳng định: "Đấu tranh PCTN là việc vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tất cả chúng ta cần phải có bản lĩnh. Bảo vệ người tố cáo là việc làm đặc biệt quan trọng. Nếu không có những công dân dũng cảm, sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin đấu tranh PCTN thì không thể chống tham nhũng thành công". Không ít vụ việc tham nhũng bị phanh phui lại không phải từ phía các cơ quan chức năng mà từ phát hiện của công dân. Song điều đáng chú ý là cũng không ít công dân đã không lựa chọn cơ quan chức năng nhà nước để cung cấp thông tin mà đã tìm đến cơ quan báo chí. Điều đó cho thấy, người dân vẫn còn lúng túng trong việc tìm đến nơi nào để gửi đơn tố cáo, một phần là do họ không biết, một phần là do họ còn tâm lý lo lắng, sợ bị lộ.

Mang đến tọa đàm những vấn đề thực tiễn trong công tác PCTN ở một số nước trên thế giới, ông Conrad F. Zellmann - Phó Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch cho biết: "1/3 vụ lừa đảo trên thế giới được phát hiện nhờ người tố cáo và người cung cấp thông tin". Điều đó phần nào khẳng định vai trò quan trọng của công dân với công tác PCTN.

Để tháo gỡ được sự e dè còn tồn tại, khuyến khích người dân tham gia vào công tác PCTN ở Việt Nam nhiều hơn nữa, cần có sự quyết tâm cả về phía cơ quan nhà nước và phía người dân. Theo đó, cơ quan nhà nước cần từng bước xây dựng văn hóa chống tham nhũng trong xã hội; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra trên tinh thần dựa vào nhân dân; tạo điều kiện để cơ quan báo chí, phóng viên đồng hành với người dân, có cơ chế hiệu quả nhằm bảo vệ sự an toàn cho những người dũng cảm tham gia PCTN.

Cùng với tọa đàm, ngày 20-5, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức trao giải Cuộc thi Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2014 (VACI 2014). Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Lê Tiến Hào khẳng định: "Một số sáng kiến đã chứng minh được tính thiết thực, có khả năng áp dụng rộng rãi trong thực tế và là nguồn tham khảo quý giá trong việc hoạch định các chính sách về phòng, chống tham nhũng".

Chương trình VACI 2014 có chủ đề "Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình". Trong số 19 đề án trúng giải năm nay có 12 đề án mới và 7 đề án triển khai mở rộng hoặc tiếp tục những ý tưởng, sáng kiến đã đoạt giải của các chương trình trước. Mỗi đề án đoạt giải sẽ được nhận khoản tài trợ theo đề xuất của chủ đề án, tối đa là 300 triệu đồng để triển khai và thực hiện ý tưởng tại các địa phương trong cả nước. Tổng giá trị giải thưởng được trao năm nay lên tới 5,5 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế bảo vệ người dũng cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.